(KTSG Online) – Tiền đồng phục hồi tốt hơn dự kiến, nhưng khả năng giữ sự ổn định đến đâu vẫn còn phụ thuộc lớn vào các biến số bên ngoài.
Áp lực tỷ giá giảm mạnh
Trong 3 tuần đầu tiên của tháng 1, tỷ giá tiếp tục xu hướng giảm, hay nói cách khác là tiền đồng lên giá đáng kể so với đồng đô la Mỹ.
Cụ thể, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank ngày 19-1 là 23.620 đồng/đô la, giảm 0,46% so với hồi cuối năm ngoái. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 23.605 đồng/đô la, gần như giữ nguyên so với hồi cuối năm ngoái.
Điều đáng chú ý là tỷ giá trên thị trường tự do cuối tuần này ghi nhận chỉ còn 23.474 đồng/đô la chiều mua vào và 23.574 đồng/đô la ở chiều bán ra, tức còn thấp hơn cả giá niêm yết bán đô la tại các ngân hàng thương mại.
Một điểm nhấn khác là khả năng mua vào ngoại tệ từ Ngân hàng nhà nước (NHNN). “Tỷ giá liên ngân hàng đã giảm xuống về vùng 23.450 đồng/đô la, mức tỷ giá mua niêm yết tại Sở giao dịch NHNN đã “kích hoạt” việc bán đô la từ các ngân hàng thương mại”, báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI mới đây nhận định. Hiện chưa rõ khối lượng mua vào là bao nhiêu nhưng đây chắc chắn là tin vui về sự thay đổi tích cực vĩ mô.
Áp lực tỷ giá giảm được cho đến từ hai quốc gia lớn là Mỹ và Trung Quốc. Với Mỹ, dữ liệu về lạm phát tháng 12 của Mỹ đã được công bố gần đây cho rằng áp lực lạm phát tại Mỹ trên thực tế đang suy yếu dần.
Còn chỉ số DXY, đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh, tiếp tục xu hướng giảm từ cuối tháng 9-2022. Hiện chỉ số này chỉ còn chưa tới 102 điểm, giảm gần 3% kể từ đầu năm 2023, sau khi đã giảm gần 9% trong quí cuối năm ngoái.
Từ phía Trung Quốc, giới quan sát đánh giá tiền đồng phục hồi từ đầu tháng 12 đến nay trùng với diễn biến phục hồi của đồng nhân dân tệ khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 được nới lỏng.
“Cùng với việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi tiền đồng có mối tương quan chặt chẽ với nhân dân tệ. Sự suy yếu của đồng nhân dân tệ kéo dài do những lo ngại về tăng trưởng và chính sách “Zero-Covid” đã khiến tiền đồng rơi xuống mức thấp kỷ lục mới là 24.874 vào đầu tháng 11 bất chấp các yếu tố cơ bản trong nước mạnh mẽ”, báo cáo về kinh tế Việt Nam mới đây của Ngân hàng UOB nhận định.
Còn theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, dòng tiền ngoại tệ khả quan (từ kiều hối, FDI và cán cân thương mại) đã giúp tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt.
“Tình hình thế giới những tháng gần đây cũng có dịu bớt các tác động đến Việt Nam nên chúng ta đang duy trì tỷ giá tích cực hơn cả so với các nước, kể các các nước phát triển và các nước trong khu vực”, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết trong phát ngôn mới đây trước thềm Tết nguyên đán 2023.
Sự phục hồi kéo dài bao lâu?
Tỷ giá giảm đáng kể cùng động thái mua vào ngoại tệ từ phía cơ quan quản lý là một tín hiệu vui đầu năm, nhưng sự phục hồi này có khả năng kéo dài bao lâu là một câu hỏi quan trọng, để thị trường chuẩn bị các kịch bản trong năm mới.
Theo báo cáo về ngoại hối khu vực ASEAN mới công bố của Ngân hàng Standard Chartered, nhóm nghiên cứu này vừa giảm mức dự báo về tỷ giá từ 24.000 đồng/đô la trước đó về mức 23.200 đồng vào cuối quí 1-2023, và giảm từ mức 23.800 đồng/đô la về mức 23.500 đồng/đô la vào giữa năm.
Theo đánh giá của báo cáo này, diễn biến ngoại hối từng quốc gia trong khu vực ASEAN có sự khác biệt nhau, nhưng tiền đồng lại phục hồi tốt hơn dự kiến nhờ tác động kết hợp bao gồm việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến, dấu hiệu hạ nhiệt áp lực lạm phát ở Mỹ và định vị thị trường một chiều đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của các đồng tiền tại khu vực ASEAN so với đô la Mỹ trong thời gian gần đây.
“Nhìn chung, ngân hàng điều chỉnh hạ dự báo tỷ giá hối đoái dựa trên cơ sở các dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trong những tuần gần đây, đặc biệt là việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc”, thông cáo của Standard Chartered có đoạn.
Dự báo giảm được đưa ra dù tỷ giá hối đoái được cho là tiếp tục biến động, nhưng biên độ giao dịch rộng sẽ giúp tỷ giá được linh hoạt hơn. Đồng thời, sự cải thiện của cán cân vãng lai và du lịch phục hồi sẽ góp phần hỗ trợ cho tiền đồng.
Từ phía thận trọng, Ngân hàng UOB giữ nguyên dự báo trước đó với bình luận khả năng phục hồi tiền đồng có thể không kéo dài. Các lý do được đưa ra là vì Trung Quốc sẽ phải tốn thêm thời gian để phục hồi sau mở cửa khi số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh chóng. Ngoài ra các yếu tố có khả năng làm tăng thêm bất ổn bao gồm khả năng suy thoái của các nền kinh tế phương Tây như Mỹ, Anh và khu vực đồng tiền chung euro.
Trong năm nay tỷ giá vẫn gặp thách thức lớn khi Fed tiếp tục lộ trình nâng lãi suất, ít nhất là cho đến giữa năm nay và sau đó duy trì mặt bằng lãi suất cao để chống lạm phát.
Vào cuối tháng 1, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ đầu năm, khảo sát của sàn giao dịch CME (Mỹ) cho thấy có khoảng 93% cho rằng Fed chỉ tăng 25 điểm cơ bản trong phiên họp sắp tới này.
Phía về cơ quan quản lý, phát biểu về định hướng trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hoà giữa các mục tiêu gồm thương mại quốc tế, thu hút dòng vốn nước ngoài, hạn chế rủi ro từ ngoại tệ đến thị trường và cả hạn chế tâm lý kỳ vọng.
Tỷ giá năm 2023 được nhà điều hành bám sát diễn biến tình hình thế giới để điều chỉnh linh hoạt thích ứng đáp ứng mục tiêu ổn định kiềm chế lạm phát, giữ giá trị đồng nội tệ, phục vụ tăng trưởng xuất khẩu.
Tỷ giá tốt phải đi đôi với lãi suất tốt. Nếu không, mọi tính toán của doanh nghiệp sẽ bị đảo lộn hết thôi.