Thứ bảy, 12/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Biến thể Delta đe dọa năng lực sản xuất của châu Á

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, châu Á đã ứng phó tốt hơn các khu vực khác và trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta đã và đang đẩy nhiều nhà máy và bến cảng châu Á vào tình trạng hỗn loạn.

Ngành sản xuất Trung Quốc có dấu hiệu hụt hơi

Trung Quốc đã bắt đầu tái áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để chống dịch Covid-19 ngay sau khi biến thể Delta quét qua nước này vào cuối tháng 7-2021 và nhanh chóng lan rộng. Mặc dù số ca mắc Covid-19 vẫn còn tương đối thấp so với Mỹ hay châu Âu, Bắc Kinh đã tích cực hồi sinh chiến lược “zero-Covid” (không ca nhiễm Covid-19) bao gồm việc giãn cách một thành phố, đóng cửa các địa điểm giải trí, hủy bỏ các chuyến bay và triển khai xét nghiệm trên diện rộng để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Những động thái quyết liệt đó đã khiến một số nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 2,3% trong quí 3-2021 so với quí trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 5,8% mà họ dự đoán ​​ban đầu.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại JP Morgan cũng viết trong một báo cáo mới đây rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm một nửa, xuống còn 2% trong quí hiện tại, so với ước tính trước đó là 4,3%. Họ cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 xuống 8,9%, từ mức 9,1%. Tương tự, các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 8,2% cho năm 2021.

Số liệu kinh tế tháng 7-2021 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cũng cho thấy, nền kinh tế số hai thế giới đã tiếp tục sụt giảm trong tháng 7-2021. Bên cạnh sự suy giảm của lĩnh vực dịch vụ, hoạt động sản xuất cũng có những dấu hiệu chững lại vì dịch bệnh.

Sản xuất công nghiệp Trung Quốc, thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác mỏ và tiện ích đã chậm lại trong tháng 7, chỉ tăng 6,4% so với một năm trước đó sau khi tăng 8,3% trong tháng 6. Đầu tư vào tài sản cố định, thước đo chi tiêu cho các hạng mục cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc, thiết bị trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7-2021 chỉ tăng ở mức 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 12,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6-2021.

Những lo ngại càng gia tăng sau khi Trung Quốc phải đóng cửa một phần tổ hợp cảng biển Ninh Ba - Châu Sơn, cụm cảng container lớn thứ ba thế giới vì một công nhân dương tính với Covid-19. Cảng xử lý khoảng 78.000 container mỗi ngày. Trước đó, cảng Diêm Điền tại Thâm Quyến cũng bị đóng cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận chuyển quốc tế, khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng vọt.

“Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi, thậm chí gấp ba trước đại dịch”, ông Lanm Lai, Giám đốc ngoại thương của CNC Electric (Chiết Giang, Trung Quốc), chia sẻ. “Năm ngoái, vào thời kỳ đỉnh dịch, tôi cho rằng điều này chỉ là ngắn hạn. Nhưng càng ngày, tôi càng nhận thấy sẽ rất khó có một sự thay đổi đáng kể”.

Chuỗi sản xuất Đông Nam Á đối mặt với mối đe dọa

Còn tại Đông Nam Á, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, hoạt động sản xuất cũng sụt giảm trong bối cảnh các nhà máy phải chật vật để duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất.

Việc hãng sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota tuyên bố cắt giảm sản lượng trong tháng 9 tới đã làm dấy lên những lo ngại về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô tại Đông Nam Á.

Giá cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới có thời điểm đã giảm 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20-8) - chỉ một ngày sau khi hãng thông báo cắt giảm 40% sản lượng toàn cầu trong tháng 9, xuống còn 500.000 xe. Theo Toyota, nguyên nhân là do thiếu hụt linh kiện khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng, làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia.

Nỗi lo ngại cũng đã lan sang các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác, khiến cổ phiếu Nissan Motor có thời điểm giảm 8%, còn Honda Motor lao dốc 5%.

Các nhà cung cấp ô tô Nhật Bản trong những năm qua đã xây dựng mạng lưới cung ứng trên khắp Đông Nam Á, nhằm tận dụng lợi thế sản xuất hiệu quả, chi phí cạnh tranh của khu vực. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh diễn biến phức tạp tại đây, ông Sanshiro Fukao, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Itochu, cho biết: “Điều này có nghĩa là nếu một vụ đóng cửa vì đại dịch xảy ra ở các nước ASEAN, nguy cơ tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng sẽ cao hơn”.

Những khó khăn tương tự cũng đang xảy ra với các doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào khu vực. Đầu tháng này, nhà sản xuất chip Infineon của Đức đã phải đóng cửa nhà máy ở Malaysia, trong khi Samsung Electronics hồi tháng trước tiết lộ, doanh thu trong lĩnh vực điện thoại di động đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch tại Việt Nam.

Theo ước tính của Natixis, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, những quốc gia này có thể tác động rất lớn đến các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Các số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ năm quốc gia Đông Nam Á, trong khi một nửa lượng nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ là từ khối này.

Những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu

Bloomberg nhận định, những khó khăn tại châu Á - nơi xuất phát của 42% lượng hàng xuất khẩu của toàn thế giới, theo ước tính của Liên hiệp quốc, có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những đợt bùng phát dịch mới đang gia tăng sức ép lên các nhà xuất khẩu, vốn đã trải qua một năm tệ hại khi chi phí vận chuyển leo thang do tình trạng thiếu hụt container. Bên cạnh đó, các nguyên liệu thô như chất bán dẫn cũng trở nên đắt đỏ và khó kiếm hơn do nhu cầu tăng cao.

Trong khi đó, sự khan hiếm nguồn cung làm dấy lên những lo ngại về việc tình trạng lạm phát gia tăng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời thách thức các kỳ vọng của giới hoạch định chính sách về việc giá cả sẽ được hạ nhiệt trong thời gian ngắn.

Sự bùng nổ xuất khẩu vốn được coi là lá chắn vững chắc của các nền kinh tế dựa nhiều vào thương mại trong thời kỳ đại dịch. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từng dự báo châu Á sẽ là khu vực dẫn đầu mức tăng trưởng 8% trong năm nay của hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, giờ đây, các nhà kinh tế đã bắt đầu hạ dự báo tăng trưởng của châu Á khi các chỉ số thời gian thực cho thấy, nhiều lĩnh vực kinh tế đang bắt đầu chịu ảnh hưởng. Mặc dù các dữ liệu từ Bloomberg Economics cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã sẵn sàng để tăng tốc trong quí này, với mức tăng trưởng GDP 1,8% so với quí trước, thế nhưng chỉ riêng sự bùng phát dịch tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các khu vực chiếm hơn một phần ba sản lượng kinh tế của nước này.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley lo ngại, dịch Covid-19 lan rộng hơn nữa có thể gây sức ép lên hoạt động sản xuất của Trung Quốc, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn phụ thuộc nhiều vào nước này để cung cấp thiết bị điện tử, y tế và các hàng hóa khác. Bên cạnh đó, khi lý giải về việc hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase & Co. cũng nhấn mạnh rủi ro từ các quốc gia châu Á khác, có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Một số chuyên gia kinh tế dự báo, sự đình trệ tại các trung tâm sản xuất châu Á sẽ là trung tâm của tình trạng suy thoái thương mại trong giai đoạn nửa cuối năm nay. Nhà kinh tế cấp cao Bansi Madhavani của ANZ Research nhận định, giai đoạn tháng 8 đến tháng 12 là mùa cao điểm đối với hàng xuất khẩu công nghệ của châu Á. Tuy nhiên năm nay, tình hình đại dịch tồi tệ đã làm chậm lại hoạt động sản xuất của các nhà máy.

Theo bà Shahana Mukherjee - chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics, tổn thất kinh tế của các đợt bùng phát dịch mới là vấn đề nghiêm trọng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh ngay cả các quốc gia khống chế dịch tốt như Trung Quốc và Úc giờ đây cũng gặp khó khăn với hàng triệu người bị phong tỏa. Bà nhận định: “Những biện pháp hạn chế kéo dài sẽ không chỉ làm gián đoạn sự hồi sinh của nhu cầu nội địa, mà còn có khả năng tiết chế lợi nhuận từ thương mại, đến mức làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung trong khu vực, buộc các nhà sản xuất phải nâng giá sản phẩm để giảm bớt thiệt hại từ việc nhu cầu sụt giảm”.

Nguồn: Bloomberg, Nikkei Asia Review, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới