(KTSG Online) - Sự xuất hiện của biến thể Omicron trong đại dịch Covid-19 đang giáng một đòn mạnh vào những hy vọng lạc quan cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ bước vào năm 2022 với nền tảng vững hơn. Các biện pháp kiểm soát đi lại để ngăn chặn biến thể này có nguy cơ phá hỏng kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách với các nỗ lực tập trung kiềm chế lạm phát thay vì nhu cầu yếu. Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của biến thể Omicron song các chuyên gia kinh tế tin rằng trong kịch bản xấu nhất, kinh tế thế giới sẽ không suy sụp giống như những gì đã xảy ra vào năm ngoái.
Nguy cơ lạm phát đình trệ
Việc hàng loạt nước áp đặt đặt các hạn chế đi lại do lo ngại biến thể Omicron sẽ làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, có thể hạn chế hoạt động ở một số nơi ngay khi kỳ mùa mua sắm Giáng sinh đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế.
Nhật Bản hành động cứng rắn nhất trong số các nước đưa ra các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới. Hôm 29-11, chính phủ Nhật Bản thông báo cấm nhập cảnh với tất cả du khách nước ngoài trong vòng một tháng kể từ ngày 30-11 nhằm ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập vào nước này.
Các thị trường nhanh chóng được định giá dựa trên giả định biến thể Omicron sẽ ít nhiều gây bất ổn cho đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà đầu tư đã giảm mức độ kỳ vọng các ngân hàng trung ương của Mỹ, Vương quốc Anh và Úc giảm lãi suất trong năm tới.
Điều gì xảy ra tiếp theo sẽ được xác định dựa vào những phát hiện của giới khoa học về biến thể Omicron trong những tuần tới, bao gồm khả năng kháng vaccine Covid-19 và khả năng lây lan của nó nhiều hơn ở mức nào so với biến thể Delta, vốn hoành hành trong những tháng gần đây nhưng không đẩy các nền kinh tế quay trở lại suy thoái.
Kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra nếu biến thể Omicron có thẻ né phản ứng miễn dịch và gây các triệu chứng nặng ở người nhiễm, đòi hỏi các nước tái áp đặt lệnh phong tỏa. Điều này sẽ gây sức ép thêm cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng và làm tổn thương nhu cầu đang phục hồi, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát đình trệ (stagflation), tức nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao xảy ra cùng lúc.
Các nhà kinh tế ở Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra 4 kịch bản tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế thế giới, bao gồm kịch bản suy giảm tăng trưởng nếu thế giới chứng kiến làn sóng lây nhiễm lớn vào quý 1 năm sau. Trong kịch bản đó, tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ đạt mức 4,2% trong năm 2022, giảm 0,4 điểm phần trăm so với dự báo gần đây nhất của Goldman Sachs
Một kịch bản tốt đẹp hơn mà nhiều nhà kinh tế đang kỳ vọng là biến thể Omicron không nguy hiểm như những lo ngại ban đầu. Song sự xuất hiện của nó là một lời nhắc nhở rằng đại dịch Covid-19 có thể vẫn là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm nữa..
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởngh phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis (Pháp), nói: “Chúng ta vẫn chưa rơi vào hiện tượng lạm phát đình trệ. Nhưng chúng ta có thể bị đẩy tình trạng đó nếu các biện pháp đóng cửa biên giới và vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài thêm một năm nữa”.
Thế giới đã thích nghi tốt hơn với dịch bệnh
Một số nhà kinh tế tin rằng tác động của biến thể Omicron sẽ không khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào cơn suy thoái như năm ngoái.
Các chính phủ trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như trước đây. Hơn nữa, nguồn cung vaccine Covid-19 đã dồi dào hơn, cho phép các nước ở châu Âu linh hoạt hơn trong việc áp đặt các hạn chế đi lại, ít gây tổn hại hơn đến tăng trưởng.
Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Ngân hàng Nomura Holdings (Nhật Bản), nói: “Các doanh nghiệp và gia đình đã thích nghi với các hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa, do vậy, tác động của biến thể Omicron có thể không nghiêm trọng vào lúc này”.
Theo Mickey Levy, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Mỹ và châu Á tại Công ty Berenberg Capital Markets, nếu biến thể Omicron lan rộng, “nó có thể kìm hãm xung lực tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế toàn cầu”.
Trước khi biến thể Omicron xuất hiện, một số nhà kinh tế dự báo nhu cầu sẽ chuyển dịch từ hàng hóa bền sang các dịch vụ như giải trí và du lịch. Nhưng giờ đây, biến thể Omicron có thể khiến sự chuyển dịch đó bị trì hoãn, làm ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi toàn cầu vốn đã không đồng đều.
Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng đà phục hồi kinh tế ngày càng phân nhánh. IMF dự báo GDP của các nền kinh tế phát triển sẽ trở về mức trước đại dịch vào năm 2022 và thậm chí vượt mức trước đại dịch khoảng 0,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng GDP của các thị trường mới nổi và đang phát triển vào năm 2024 vẫn thấp hơn 5,5% so với mức dự báo đưa ra trước đại dịch.
Kinh tế khu vực châu Á đối mặt rủi ro trong ngắn hạn
Trong báo cáo công bố hôm 29-11, Công ty tài chính Moody's Analytics nhận định biến thể Omicron đang làm gia tăng bất ổn cho triển vọng kinh tế toàn cầu, song vẫn còn quá sớm để định lượng các tác động vì tất cả còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ lây lan, tỷ lệ nhập viện và tử vong mà biến thể này gây ra, điều mà các nhà khoa học cần ít nhất 2 tuần để nắm rõ.
Các nhà phân tích của Moody's Analytics cho rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi nhiều nước như Myanmar, Lào, Indonesiam Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Việt Nam vẫn chưa tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cho 65% dân số trên 12 tuổi sẽ là tâm điểm chú ý trong những tuân tới. Hiện khu vực này đã ghi nhận một số ca nhiễm biến thể Omicron tại Hồng Kông và Úc.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley nhận định biến thể Omicron có thể gây suy giảm nhưng không vô hiệu hóa hoàn toàn hiệu quả của các vaccine Covid-19 hiện nay. Họ dự báo biến thể này sẽ gây rủi ro ngắn hạn cho các nền kinh tế ở châu hạn với các hậu quả sẽ thể hiện rõ trong quý 1-2022.
Họ cho rằng Ấn Độ và các nước ASEAN, những nơi đã dần mở cửa biên giới,có thể siết chặt kiểm soát đi lại nếu số ca nhiễm tăng mạnh. Một động thái như vậy có thể gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu nếu như các nhà sản xuất ở Ấn Độ và ASEAN buộc phải tạm dụng sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc có thể không bị biến thể Omicron tác động trực tiếp nhờ nước này thực thi chính sách kiểm soát biên giới nghiệm ngặt và chính sách quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng.
Báo cáo của Morgan Stanley có đoạn: “Chúng tôi dự báo tác động của biến thể Omicron lên các chuỗi cung ứng chỉ là tạm thời và nhu cầu toàn cầu vẫn duy trì mạnh mẽ”.
Một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là sau những nỗ lực kích thích kinh tế với quy mô chưa có lệ năm ngoái, họ còn rất ít lựa chọn để ứng phó tác động của biến thể Omicron.Chỉ có một số ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ cuối cuối năm ngoái và các mức lãi suất cơ bản quan trọng của thế giới phát triển vẫn ở sát zero. Điều này có nghĩa là họ không còn nhiều dư địa giảm lãi suất để giải cứu nền kinh tế một lần nữa. Ngoài ra, các chính phủ đang phải gánh những khoản nợ ngày càng chồng chất.Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Luis de Guindos cho rằng tác động của biến thể Omicron lên nền kinh tế toàn cầu sẽ hạn chế hơn so với năm ngoái.Tuy nhiên, điều duy nhất có thể chắc chắn là sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy rằng việc các dự báo kinh tế trong thời kỳ đại dịch là rất khó khăn.Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Ngân hàng Nomura Holdings, nói: “Có một điều chắc chắn là bất ổn kinh tế đã tăng lên mức cao hơn. Các nhà kinh tế đã thận trọng trong việc dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Sự thận trọng đó giờ đây thậm chí còn lớn hơn."
Theo Bloomberg, Fortune