Biết có thể nhiễm Covid-19 vẫn trốn khai báo, phạt hay không?
Khánh Nghi
(TBKTSG Online) - Thông tin khiến nhiều người sốt ruột từ tối qua (6-3) đến giờ là Việt Nam xác nhận ca bệnh Covid-19 thứ 17. Đó là cô N.H.N ở Hà Nội, người biết bản thân có khả năng nhiễm bệnh nhưng không khai báo.
Nhiều ý kiến cho rằng, hành động đặt cộng đồng vào tình trạng nguy hiểm như thế phải bị xử phạt thật nặng.
Ảnh từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TPHCM (HCDC). Ảnh: TBKTSG Onlne |
Trên các phương tiện truyền thông, lịch trình của N.H.N, bệnh nhân Covid1-19 thứ 17 được lãnh đạo thành phố Hà Nội thông báo là N đi từ Hà Nội đến London (Anh), Milan (Ý), Pháp rồi quay lại London để về Hà Nội.
Khi đến sân bay Nội Bài vào sáng sớm 2-3, cô lên xe riêng của gia đình về nhà tại 125 Trúc Bạch, đến chiều 5-3 thì đến Bệnh viện Hồng Ngọc.
Tại đây, với những dấu hiệu nghi ngờ, N được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đến 21 giờ 30 ngày 6-3, N được xác nhận dương tính với Covid-19.
Để tránh lây lan, người thân và những y, bác sĩ tiếp xúc ban đầu với N phải cách ly; cả đoạn phố Trúc Bạch đã bị cách ly hoàn toàn từ tối qua; cơ quan chức năng đang ráo riết tìm những người có tiếp xúc với cô gái này để có các biện pháp tiếp theo.
Những ngày qua, cả nước căng mình đối phó với dịch, nhiều hoạt động bị đình trệ, học sinh không được đến trường, kinh tế sụt giảm... Tình hình có vẻ ổn hơn trong những ngày qua, cơ quan chức năng đã tính đến chuyện sẽ công bố hết dịch trong thời gian ngắn tới đây nhưng mọi việc có thể đã thay đổi hoàn toàn từ đêm qua.
Nhiều người đã giận dữ, vào tài khoản được cho là của N trên mạng xã hội Instagram để lại bình luận, cho rằng cô đáng trách vì đã đến vùng dịch, biết có khả năng nhiễm bệnh nhưng không khai báo để tránh cách ly y tế.
Có ý kiến cho rằng, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến không lường như hiện nay và có thể là những dịch bệnh khác trong tương lai, việc kêu gọi ý thức công dân, ý thức cộng đồng trong khai báo bệnh hay tự cách ly ngừa dịch là cần nhưng chưa đủ, phải xử phạt nặng để răn đe.
Thế giới cũng đã có những hành động tương tự. Hồi đầu tháng 2-2020, tờ Taiwan News đưa tin, Sở Y tế thành phố Đài Bắc (Đài Loan) đã phạt cặp vợ chồng ở thành phố Tân Bắc 300.000 tân đài tệ (khoảng 230 triệu đồng) vì tội không tuân thủ quy tắc kiểm dịch.
Cặp đôi này được yêu cầu tự cách ly 14 ngày nhưng 4 ngày sau, họ đã cố tình đến Trung Quốc bằng thuyền.
Tại Việt Nam, từ đầu dịch đến nay cũng có người trốn cách ly nhưng chưa có ai bị xử phạt.
Theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh thuộc nhóm này bị phạt từ tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Covid-19 thuộc vào danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Cũng nghị định trên, điều 10 về vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế quy định: hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.
Khi ý thức công dân chưa đủ tốt thì pháp luật phải vào cuộc với những biện pháp thực sự cứng rắn.
Những quy định hiện hành có thể cần được điều chỉnh để có tác dụng răn đe nghiêm khắc hơn.
Mời đọc thêm:
Thủ tướng yêu cầu giải pháp để khẩn trương phục hồi du lịch, hàng không
Khai báo y tế bắt buộc mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam
Khách sạn nhỏ ở TPHCM: cầm cự với khách lẻ, khách theo giờ
Hàng loạt khách sạn đóng cửa, lữ hành 'run' vì Covid-19 ở châu Âu