Biết lạc quan và bi quan đúng lúc
BS. Lê Tuyết Hoa
(TBKTSG) Tôi chạy xe trên đường, chìm trong mớ suy nghĩ, mày nhíu lại, bặm môi khi nghĩ đến những công việc sắp tới: điều hành buổi họp tuần tới như thế nào, làm gì để đảm bảo buổi ăn tối với đối tác ngày mai diễn ra trơn tru, dự án sắp tới tôi nên nhận tất cả hay chỉ nên đảm trách một phần?... Người bạn cùng cơ quan nhắc nhở: “Nhẹ nhõm chút đi, cười lên!”.
Bạn nhắc tôi hãy lạc quan. Sự lạc quan sẽ cải thiện sức khỏe, giúp chúng ta sống thọ hơn, giảm nguy cơ đột quỵ. Người lạc quan vui vẻ hơn, có nhiều bạn hơn. Có vẻ như người lạc quan vui đùa dưới ánh mặt trời tươi đẹp còn người bi quan thì nằm trong bóng tối. Lạc quan và bi quan là những cảm nhận về tương lai. Chúng không chỉ là quan điểm (sống) của ai đó trong chúng ta mà còn là những thuộc tính về tinh thần mà ta lấy ra dùng khi cần, là lăng kính màu hồng hay màu xanh mà ta đặt lên hay lấy đi tùy tình huống. Sử dụng tính bi quan có chủ đích đôi khi sẽ mang lại hiệu quả thực sự hơn là trùm mền lạc quan cho tất cả mọi việc ở mọi lúc.
Cũng rất khó đánh giá hai thuộc tính này bởi tùy từng tình huống. Áp dụng chúng một cách linh động sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Thực tế cho thấy những người thành công là những người đôi lúc bi quan “một cách chiến lược” để tạo động lực cho mình và chuẩn bị cho bản thân trong tương lai. Không phải tất cả lạc quan đều tốt còn bi quan đều xấu, cả hai đều có chức năng và có giá trị riêng, như hai mặt của một đồng xu.
Trong chúng ta ai cũng đều ấp ủ những ước vọng về tương lai, từ khi mới là cô cậu bé tuổi “teen” cho đến lúc tóc đã pha sương. Những ước vọng này liệu có thể là dấu hiệu để dự đoán về sức khỏe hay giúp xác lập những biện pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng sống hoặc kéo dài tuổi thọ cho mỗi người?
Bạn có biết theo một nghiên cứu trên tạp chí Psychology and Aging (của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, ngày 27-2-2013), những người ít kỳ vọng về tương lai có thể sống lâu hơn, khỏe hơn người quá hồ hởi về những ngày tươi sáng sắp tới. Nghiên cứu cho thấy số người quá mong đợi một tương lai tốt đẹp sẽ có nguy cơ mắc bệnh và chết trong 10 năm sắp tới cao hơn khoảng 10% so với người ít kỳ vọng.
Nhìn tương lai đúng với thực tế và dự đoán về mức độ hài lòng trong tương lai ở người có tuổi tỏ ra chính xác hơn những người trẻ. Trên thực tế, người từ 65 tuổi thường ít kỳ vọng nhiều vào tương lai, hai phần ba trong số họ đã có những dự đoán tương lai chính xác từ năm năm trước, 30% còn lại ước tính tương lai hơi quá so với thực tế. Người trung niên (40-64 tuổi) dự đoán chính xác hơn cả, là nhóm có mức lạc quan tăng theo thời gian.
Ngược lại, nhóm trẻ nhất (18-39 tuổi) chỉ nhìn thấy tương lai toàn màu hồng. Khác với suy nghĩ thông thường, kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm có sức khỏe tốt và có thu nhập ổn định thường ít hài lòng với tương lai (khác với những gì họ mong đợi) hơn những người có sức khỏe kém hoặc có thu nhập thấp. Nói một cách khác, đừng quá lạc quan sẽ tốt hơn nếu phải đối diện với kết cục bất lợi. Tính chính xác của những dự báo về mức lạc quan, kết cục bệnh tật và tử vong đều tùy thuộc vào tuổi tác, tiềm lực sẵn có và bệnh tật.
Liệu những nhận định và cứ liệu trên có giúp chúng ta sắp xếp lại những mong muốn và hành động tích cực hơn không?