Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Biết xấu mà vẫn làm là tội ác

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biết xấu mà vẫn làm là tội ác

Thư Kỳ

(TBKTSG Online) - Tổng giám đốc điều hành YouTube, Susan Wojcicki, có lần phân bua YouTube cũng giống như một thư viện lớn, vai trò của YouTube là thủ thư, ngồi đó cho mướn sản phẩm của người khác tạo ra. Sẽ có sách hay, sẽ có sách dở, sách tầm phào nhưng ý Wojcicki muốn nói sách tốt chiếm tỷ lệ nhiều hơn sách xấu nên dù sao YouTube cũng đem lại lợi ích cho xã hội.

Biết xấu mà vẫn làm là tội ác
Một video nhắm đến trẻ em dưới 13 tuổi trên YouTube. Ảnh: Today

Nghe qua rất hợp lý nhưng vào một thư viện bình thường, bạn đọc một cuốn sách về mặt trăng thì làm gì có việc thư viện sau đó liên tục giới thiệu để bạn đọc những cuốn khác, nói chuyện con người đặt chân lên mặt trăng là tin giả, toàn bộ chương trình Appolo là dàn dựng. Làm gì có thủ thư nào cứ bảo bạn nên đọc các lý thuyết âm mưu này đi vì nó rất hấp dẫn. Nhưng đó chính là thuật toán nằm đằng sau sự phát triển của YouTube trong nhiều năm qua.

Bloomberg vừa có một bài điều tra dài cho thấy YouTube biết rõ các tác động tiêu cực của thuật toán giới thiệu video cho người xem nhưng cố tình ngó lơ nơi khác. Chính vì thế những năm qua, hàng loạt nhân viên cựu trào của YouTube phải dứt áo ra đi vì các lời cảnh tỉnh của họ không được đếm xỉa đến. Các nguồn tin của Bloomberg cho biết nỗi lo ngại của họ bị Wojcicki và những người thân cận gạt sang một bên bởi họ chủ trương YouTube ưu tiên làm ra tiền hơn là ưu tiên lo cho người dùng bị phơi nhiễm video xấu.

Vì ưu tiên làm ra tiền nên các video đánh vào sự tò mò của người xem ngày càng phổ biến, đặc biệt là các thuyết âm mưu, ví dụ, thuyết cho rằng vắc-xin chủng ngừa gây bệnh tự kỷ, là công cụ để nhà nước kiểm soát dân chúng.

Sai lầm của YouTube nằm ở chỗ họ khuyến khích sự tầm phào, tính giật gân, chuyện quái đản, hình ảnh dị thường bởi thuật toán của họ cứ thấy người ta lao vào xem loại video này nên cứ thế giới thiệu, ưu tiên đẩy chúng lên đầu. Đó là bởi họ đặt ra tiêu chí “thành công” được hiểu là làm sao để giữ chân người xem; lượt xem, thời gian xem và tương tác của người xem là thước đo.

Tệ hại nhất là loại video giả danh hoạt hình để thu hút trẻ em nhưng chứa đựng nội dung xấu. Patrick Copeland từng làm thành viên hội đồng quản trị của Google nhưng đã nghỉ từ năm 2016 kể trên mạng LinkedIn câu chuyện con gái của ông một hôm xem hoạt hình Bạch Tuyết và bảy chú lùn thì được YouTube gợi ý xem tiếp phim Bạch Tuyết khác, được vẽ với nhiều hình ảnh kích dục và một video một con ngựa đang làm tình. Copeland hoảng hồn, chặn ngay tên miền YouTube.com trên hệ thống máy ở nhà ông.

Bài điều tra của Bloomberg cho thấy ngày xưa lúc YouTube còn chưa về tay Google, đang lỗ nặng và kho video còn ít, việc kiểm soát nội dung gây hại rất được chú trọng. Ví dụ lúc nhân viên YouTube phát hiện có hàng loạt video ca tụng bệnh chán ăn, họ bèn sắp xếp để dán nhãn cho những video này, hạn chế tuổi được xem chúng, không đưa chúng vào danh sách video đề nghị xem tiếp… Thế nhưng sau này khi YouTube ưu tiên lợi nhuận thì các biện pháp kiểm soát như thế được nới lỏng. Một cựu nhân viên YouTube nói với Bloomberg các video ca tụng bố mẹ không cho con đi chủng ngừa ắt bị hạn chế hoặc không được xuất hiện thời ông còn làm ở YouTube.

YouTube đặt mục tiêu mỗi ngày có một tỉ giờ xem từ năm 2012 và đến năm 2014 khi bà Wojcicki đảm nhiệm vai trò điều hành thì YouTube mới đạt một phần ba con số này. Thế là mọi hoạt động của YouTube chỉ xoay quanh làm sao nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra: các thuật toán gợi ý được tinh chỉnh để giữ chân người xem; video nào được xem nhiều thì ưu tiên bất kể nó tào lao đến đâu.

Đến tháng 10-2016, YouTube đạt được mốc một tỉ giờ xem mỗi ngày. Trí tuệ nhân tạo do YouTube xây dựng ngày càng thông minh, nó biết ngay người xem muốn xem gì tiếp theo; nó cũng biết video nào có chứa tiêu đề câu khách theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó để không đưa vào danh sách giới thiệu (đó là bởi người xem chỉ để bị lừa một hai lần sau đó sẽ tẩy chay các kênh này). Thế nhưng AI của YouTube được huấn luyện để ngó lơ loại video chứa thông tin sai lệch, video cực đoan và video cho trẻ em nhưng chứa đựng nội dung xấu. AI của YouTube phát hiện người xem càng giận dữ, họ càng chú ý xem; thế là các quan điểm cực đoan, gây sốc, khiêu khích được tạo điều kiện để lan rộng.

Đúng như nhận xét của tác giả một bài ý kiến đăng trên tờ New York Times, tội lỗi của các công ty công nghệ lớn như Facebook hay YouTube là đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng bằng mọi giá có nghĩa giữ chân người dùng trên nền tảng của họ càng lâu càng tốt. Và càng lâu đồng nghĩa càng dùng nhiều thủ thuật. Đó là con đường chạy đua xuống đáy chứ không phải tạo ra giá trị mới cho xã hội. Và dường như các công ty công nghệ chỉ mới bắt đầu ý thức được vòng xoáy có khả năng nhấn chìm họ trong một thời gian không xa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới