“Biển đã an toàn” và chỉ số nào cho sự tin cậy?
Nguyễn An Sa
Người dân tại vùng biển ô nhiễm thu gom tiêu hủy cá chết do thảm họa môi trường Formosa gây ra. Ảnh: TTXVN |
(TBKTSG Online) - Sáng nay 22-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị.
Những thông tin ban đầu từ buổi công bố kết quả đánh giá này tương đối lạc quan; ít ra là trấn an được người dân trong cuộc khủng hoảng sâu niềm tin về môi trường sau vụ bê bối xả thải của Formosa.
Nhìn chung, những báo cáo của các chuyên gia đang đưa ra một bức tranh môi trường biển đang dần hồi phục. Nhưng theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ: “PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội thiên nhiên môi trường biển cho rằng vấn đề chính mà người dân quan tâm là việc cá đã an toàn chưa, biển đã an toàn chưa. Nên các cơ quan chức năng cần phải giải đáp được câu hỏi đó của người dân.
Ông Hồi nói về mức độ tin cậy của môi trường biển, dù có cá nhỏ xuất hiện nhưng vẫn chưa thấy cá kinh tế. Khi có các loại cá kinh tế mới đủ để khẳng định khu vực đó đã an toàn”
Sự tin cậy có thể nói là từ khóa quan trọng trong lúc này. Dù có chỉ số cụ thể, nhưng liệu những bảng biểu kết quả đánh giá kết luận có màu sắc lạc quan có đang được đưa ra có thay đổi được tone màu xám trong nhận thức người dân về môi trường biển - khi mà cuộc sống khai thác, sản xuất, thực tế kinh tế biển ở vùng bốn tỉnh này chưa được bình thường trở lại sau một thời gian dài gần như điêu đứng bởi tác hại của ô nhiễm. Hàng ngàn ngư dân đã không ra khơi trong vài tháng qua, người tiêu dùng ngần ngại, không muốn mua cá đánh bắt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Trong các siêu thị lớn ở đô thị như Sài Gòn, Hà Nội, để bán được hải sản, người ta phải gắn lên những tấm biển nguồn gốc, ngư trường đánh bắt nằm ngoài khu vực bốn tỉnh miền Trung kia.
Tác hại trong tâm lý là chuyện mà không phải cứ hễ có một bảng kết quả đẹp là có thể giải quyết được hết, mà cần có thời gian, cần có độ thuyết phục từ những nỗ lực giám sát, giải pháp cải thiện môi trường một cách minh bạch của cơ quan chức năng và sự thành khẩn đền bù cho môi trường của nhà đầu tư – kẻ tội đồ. Hơn ai hết, ngư dân phải được thấy lại cá tôm, hải sản trên ngư trường của mình trở lại cụ thể qua từng mẻ lưới, từng chuyến ra khơi và thấy được sản phẩm của họ tìm thấy sự tiêu thụ bình thường, không phân biệt đối xử trên thị trường rộng lớn trong nước và quốc tế như trước đây.
Để có lại được sự tin cậy vào an toàn môi trường biển chắc phải mất một thời gian dài, rất dài. Vậy mới thấy hết những tác hại, tổn thất vô cùng lớn lao mà nhà đầu tư Formosa gây ra cho môi trường tự nhiên và kinh tế. Khoản tiền phạt hỗ trợ ngư dân rồi sẽ giải ngân trong tương lai gần, nhưng chắc chắn không thể bù đắp hết những hệ lụy, xáo trộn, nguy cơ bần cùng hóa mà họ phải gánh chịu.
Biển đã thực sự sạch hay chưa? Các nhà khoa học và cơ quan chức năng đang trả lời bằng các chỉ số. Nhưng để những chỉ số đó thuyết phục, tạo dựng lại niềm tin đã mất trong dân, thì không cách nào khác, phải thực sự đến từ thực tiễn!