(KTSG Online) – UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Việc phê duyệt dự án có diện tích 375 ha này nhằm tạo tiền đề để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói chung và ngành tôm có ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Giới cận của khu đất gồm phía Bắc giáp Nhà máy xỉ Titan Sài Gòn - Quy Nhơn và đường quy hoạch lộ giới rộng 30m; phía Đông giáp biển Đông; phía Nam giáp Khu dịch vụ hậu cần nghề cá; phía Tây giáp đường quy hoạch lộ giới 45m.
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ hình thành khu sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, sản xuất tôm thương phẩm, chế biến thức ăn, chế biến tôm và các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, miền Trung và cả nước. Ngoài ra đây sẽ là nơi tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao; thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong phát triển tôm.
Trước đó, tháng 6-2020, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư khoảng 2.002 tỉ đồng.
Được biết dự án này cũng là một phần của chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của chương trình hành động là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành nông nghiệp tỉnh miền Trung này bình quân tăng 3,2 - 3,6%/năm.
Về trồng trọt, diện tích ứng dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến (SRI) đạt trên 5.000 ha; có từ 8.000 – 10.000 ha rau an toàn và hình thành chuỗi tiêu thụ, trong đó diện tích rau được chứng nhận VietGAP trên 100 ha. Với chăn nuôi, bò thịt chất lượng cao đạt 99.000 con (chiếm 30% tổng đàn); các con số tương ứng với đàn heo và gà là 242 nghìn con (chiếm 22%), 3,5 triệu con (chiếm 35%).
Về thủy sản, sản lượng khai thác xa bờ đạt 200.000 tấn, trong đó khai thác ứng dụng công nghệ cao 72.000 tấn. Sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 13.000 tấn. Tàu thuyền ứng dụng công nghệ cao chiếm 36% số tàu thuyền đánh bắt xa bờ; diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Với lâm nghiệp, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 10.000 ha; diện tích rừng được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là 10.000 ha.
Chương trình cũng đặt ra chỉ tiêu xây dựng 25 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; xây dựng Khu chăn nuôi Nhơn Tân (TX An Nhơn) thành vùng chăn nuôi công nghệ cao; xây dựng nhãn hiệu “heo Hoài Ân”, “bò thịt chất lượng cao Bình Định”; tiếp tục phát triển nhãn hiệu “gà Minh Dư” mang tầm quốc tế, hướng đến xuất khẩu.