Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bình Định quy hoạch hơn 600 ha đất công nghiệp để thu hút nhà đầu tư

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỉnh Bình Định sẽ dành 602,8 ha đất công nghiệp để đầu tư xây dựng 41 cụm công nghiệp, trong đó hơn phân nửa diện tích phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản.

Bên cạnh các dự án công nghiệp, tỉnh Bình Định quy hoạch thêm quỹ đất để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Ảnh: Paris Lê

Bên cạnh đó, khoảng 27,8 ha đất sẽ được quy hoạch phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong 2 khu tập trung, gồm khu chế biến thủy sản dọc Quốc lộ 19 mới và khu hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan.

Quỹ đất này dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Định, theo đề án được UBND tỉnh Bình Định ký phê duyệt hôm qua, 19-10.

Đề án “Bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025” nhằm thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp, khu chế biến tập trung.

Đề án này được xây dựng dựa trên quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 61 cụm công nghiệp với diện tích 1.885,9 ha, diện tích đất công nghiệp 1.321,3 ha. Trong đó, 10 cụm công nghiệp đã lấp đầy 100% diện tích đất.

Có 41 cụm công nghiệp phát triển giai đoạn 2020-2025 với diện tích 1.417,1 ha, diện tích đất công nghiệp 981,4 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 378,6 ha, diện tích đất công nghiệp còn lại chưa sử dụng 602,8 ha. Có 10 cụm công nghiệp phát triển sau năm 2025 với diện tích 285,4 ha, diện tích đất công nghiệp 209,6 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 5,3 ha (của 4 cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động trước khi hình thành cụm công nghiệp), diện tích đất công nghiệp còn lại chưa sử dụng 204,3 ha.

Đến hết năm 2020, có 44 cụm công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động với diện tích đất sản xuất công nghiệp 939,9 ha, đã bố trí cho 373 dự án sản xuất, chế biến hàng công nghiệp với diện tích 584,5 ha, bình quân 1,6 ha/dự án và đạt tỷ lệ lấp đầy 62,2%. Riêng giai đoạn 2015-2020, đã bố trí 386,5 ha đất công nghiệp cho 195 dự án đầu tư trong và ngoài cụm công nghiệp, trong đó bố trí 289,6 ha đất công nghiệp cho 144 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp (có 64 dự án với diện tích 153,5 ha thuộc ngành chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, bình quân 2,4 ha/dự án, riêng chế biến lâm sản 2,51 ha/dự án) và bố trí 96,9 ha đất công nghiệp cho 51 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.

Vì vậy, Sở Công Thương Bình Định xây dựng đề án này với mục tiêu bố trí 602,8 ha đất công nghiệp để tập trung đầu tư xây dựng 41 cụm công nghiệp trong giai đoạn 2020-2025, trong đó, ưu tiên bố trí 335,5 ha đất phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, 27,8 ha đất sẽ được bố trí phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong 2 khu tập trung, gồm khu chế biến thủy sản dọc Quốc lộ 19 mới có diện tích 11,5 ha và khu hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan có diện tích 16,3 ha.

Đề cập trong tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Đình Định phê duyệt cách đây một tuần, ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết việc bố trí quỹ đất cho từng dự án căn cứ vào nhu cầu đăng ký do chủ đầu tư đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đất đai chưa công bố hạng mức hoặc định mức nhu cầu đất công nghiệp cần đáp ứng cho dự án sản xuất công nghiệp nói chung hoặc từng ngành sản xuất cụ thể.

Trên cơ sở diện tích đất công nghiệp (bình quân) cấp cho từng dự án được thống kê trong giai đoạn 2015-2020, tổng hợp phân tích đề xuất nhu cầu quỹ đất cần bố trí cho các dự án chế biến chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong cụm công nghiệp giai đoạn 2020- 2025 khoảng 335,5 ha.

Mục tiêu của đề án là bố trí đủ quỹ đất phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2020-2025; trong đó, ưu tiên dành quỹ đất phát triển chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; không bổ sung mới quỹ đất công nghiệp để hình thành khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới