Bình Thuận xây khu công nghiệp chế biến titan
Văn Nam
![]() |
Khai thác titan tại Bình Thuận lâu nay chủ yếu là khai thác thô, chưa chế biến tinh dành cho xuất khẩu - Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) - Tỉnh Bình Thuận đang lên kế hoạch xây dựng khu công nghiệp (KCN) chế biến sâu titan và các sản phẩm khoáng sản khác cho xuất khẩu và phục vụ các ngành công nghiệp trong nước, theo Sở Công Thương Bình Thuận.
Khu công nghiệp trên là Song Bình rộng 250 héc ta tại huyện Bắc Bình và đồng thời còn có cụm công nghiệp Thắng Hải rộng 40 héc ta tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân. KCN Song Bình sẽ dành cho chế biến sâu quặng titan, zicon, ilmenit, rutin còn cụm công nghiệp Thắng Hải sẽ dành cho các doanh nghiệp đang khai thác tuyển quặng titan tinh ven biển, củng cố lại việc khai thác để cung cấp nguyên liệu quặng titan thô cho khu công nghiệp Song Bình.
Ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 1-8 rằng hiện có 17 dự án đăng ký chế biến sâu titan chờ vào KCN Song Bình.
Trong danhh sách các dự án trên có một số dự án lớn như Tập đoàn Geopromining của Công hòa Liên bang Nga có vốn đầu tư 350 triệu đô la Mỹ, Công ty xuất nhập khẩu Bình Minh (650 triệu đô la Mỹ), Công ty công nghệ Hà Nội (620 triệu đô la Mỹ), Công ty cổ phần Him Lam Khoáng sản (130 triệu đô la Mỹ),…
Khu vực bắc Bình Thuận rộng 150 km2 tại huyện Bắc Bình là vùng có trữ lượng titan lên đến 142 triệu tấn. Do vậy, dự kiến nơi đây sẽ hình thành một khu công nghiệp khai khoáng chế biến sâu titan lớn nhất cả nước thời gian tới.
Trước đây khu vực ven biển phía Nam Bình Thuận này có 18 dự án khai thác titan, nhưng phân tán, không tập trung và gây ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh đã đóng cửa các dự án này, chờ đưa vào cụm công nghiệp Thắng Hải để khai thác, chế biến quặng titan tập trung.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết hơn một năm nay, tỉnh đã ngưng, không cấp phép cho bất kỳ dự án khai thác titan nào, chờ quy hoạch phân vùng khai thác, chế biến mới cấp phép trở lại. |
Ông Nhựt cho biết, theo lộ trình, từ nay đến 2015 sẽ chuẩn bị xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và cụm công nghiệp này, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy. Sau đó giai đoạn 2015 trở đi mới đi vào sản xuất chế biến chính thức.
Công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy qua thăm dò, Bình Thuận có trữ lượng titan 599 triệu tấn, chiếm trên 92% sản lượng titan cả nước. Riêng khu vực phía bắc Bình Thuận được phép khai thác titan trên diện tích 150 km2 với trữ lượng 142 triệu tấn.
Để tránh việc khai thác titan làm ảnh hưởng đến môi trường, suy kiệt nguồn nước, ông Nhựt cũng cho hay sắp tới, trong các tiêu chí thu hút đầu tư sẽ ưu tiên việc khai thác xa khu dân cư, đảm bảo nguồn nước, tránh ảnh hưởng bức xạ …
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động khai thác, chế biến quặng titan thời gian qua còn nhiều bất cập như khai thác chưa gắn với chế biến sâu, chưa cải tạo, phục hồi môi trường, gây hậu quả xấu đến môi trường của đất, nước, chặt phá rừng phòng hộ ven biển. Do vậy, vào tháng 1-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 02/CT-TTg yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng đề án tổ chức thăm dò, khai thác quy mô lớn, chế biến tập trung, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội để phát triển ngành công nghiệp titan. |