Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Bình thường mới’, mới nào rồi cũng phải… cũ

Nam Hưng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày cuối tuần, buổi sáng tôi đến cơ quan để họp và sau đó làm việc. Đến chiều, đi dự một sự kiện của đối tác về việc ra mắt nhiều dòng xe mới ở thành phố Thủ Đức. Chập tối, cùng các đồng nghiệp đến sân bóng ở quận 12 để có một trận bóng đầu tiên sau đâu đó bốn tháng tạm dừng. Tan trận bóng, trên đường về nhà, tôi ghé một cửa hàng tiện lợi ở quận 1 để mua ít quà vặt cho mấy đứa con ở nhà. Tự nhiên trong lòng thấy phấn chấn, một ngày gần như bình thường đã trở lại.

Tất nhiên, ngày bình thường này đang ở trong giai đoạn mà chúng ta gọi là “bình thường mới”. Nơi làm việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh; nơi tổ chức sự kiện chỉ cho phép khách mời tham dự khi đã tiêm 2 mũi vaccine có chứng nhận (hoặc ứng dụng hoặc giấy xác nhận); nơi đá bóng cũng kiểm tra tiêm 2 mũi vaccine kèm các quy định mà người quản lý sân nói là được cho phép mới mở. Cửa hàng tiện lợi thì có đơn giản hơn nhưng cũng không cho nhiều khách vào cùng lúc. Họ chỉ cho vài người vào và cứ thế nối tiếp nhau khi những người bên trong bước ra…

Những điều này, cách đây vài tháng hay lâu hơn nữa là gần hai năm, thật xa lạ. Nhưng giờ, đó lại được xem là dễ chịu hơn rất nhiều so với những gì diễn ra trong bốn tháng qua, nhất là tại TPHCM, trong thời gian giãn cách xã hội, áp dụng Chỉ thị 16.

Trong đại dịch, nhiều xu hướng hình thành, nở rộ. Họp hành online, làm việc qua mạng, các ứng dụng thể thao, sức khỏe, các ứng dụng livestreams, các phương thức mua bán hàng hóa, thanh toán… hiển hiện khắp nơi. Tới mức, những người già ở quê biết thế nào là app (ứng dụng), biết thế nào là QR code.

Đã có nhiều tưởng tượng, suy đoán và nhận định về cuộc sống sau dịch. Có những cách nhìn lạc quan rằng rồi dịch nào cũng qua, bệnh nào cũng hết, chắc chắn dịch bệnh nào cũng ngắn hơn đời người, chỉ là đời người… ngắn nên thấy vài năm dịch bệnh là quá dài.

Khái niệm “bình thường mới” về cơ bản, nó là cuộc sống mà chúng ta sống chung với Covid như đã và đang sống chung với các loại bệnh khác hiển hiện đâu đó quanh mình. Cái khác là, sống chung với Covid-19 tức phải thực hiện những biện pháp phòng chống được ngành y tế khuyến cáo, cơ quan hữu trách quy định và sự tự giác.

Trước đại dịch, việc họp hành hay làm việc online là việc chưa phổ biến lắm. Việc đeo khẩu trang, người với người cứ đứng, ngồi xa nhau theo khoảng cách quy định là việc hơi… kỳ cục. Vậy rồi sao? Có phải bây giờ, nếu ra đường không đeo khẩu trang, đến nơi đông người không giữ khoảng cách… sẽ bị coi là “không giống ai” đó thôi, chưa nói là có thể bị phạt vì sai quy định.

Nhưng, quay lại chuyện “bình thường mới” như một ngày ở trên. Thật ra điều này chưa thể gọi là bình thường, cho dù là mới, ở một đô thị hơn chục triệu người. Nó chỉ là quan sát và cảm giác sự nới lỏng sau những ngày thực hiện nghiêm giãn cách. Bây giờ, ở TPHCM, nhiều hàng quán, dịch vụ vẫn còn đóng cửa, muốn mua gì hay làm gì phải liên hệ, tính toán trước đường đi. Có những loại hình kinh doanh chưa được phép mở và cũng có những hàng quán giờ treo bảng cho thuê mặt bằng, bởi biết đâu đó là những doanh nghiệp, cửa hàng nằm trong hàng chục ngàn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã buông tay sau một thời gian “gồng mình” chống chọi.

TPHCM, đường phố vẫn còn rất thông thoáng, vắng thưa dù không phải là ngày lễ, Tết, và đương nhiên không phải do hạ tầng giao thông “đùng một cái” tốt lên một cách kỳ lạ khiến cảnh kẹt xe không còn.

Nhìn rộng hơn, từ TPHCM đi các tỉnh và ngược lại vẫn chưa thể dễ dàng chứ nói gì đến thông suốt. Các đường bay vẫn còn chờ và phụ thuộc vào ý chí của từng địa phương, các quy định chống dịch vẫn còn sự khác nhau ở các tỉnh, thành. Làm sao bình thường, cho dù là bình thường mới?

Trên các phương tiện truyền thông, các mạng xã hội, dòng người quyết định rời khỏi TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương – những địa phương cần hàng triệu lao động nhập cư – đang thực hiện những chuyến hồi hương vẫn là những hình ảnh đau lòng, day dứt, bởi đó không phải là những chuyến về quê trong niềm hân hoan của những người làm ăn xa, mang sự thành đạt, tích cóp về cho gia đình. Đó là những chuyến hồi hương không còn sự lựa chọn khi công việc làm ăn không còn, tiền bạc không còn.

Họ không thể chờ đợi một sự bất định cho chính mình. Họ không sống được bằng sự tương trợ mãi cũng như không thể sống một cuộc sống với nhu cầu cơ bản từ những gói cứu trợ mang tính cấp thiết từ chính quyền. Họ rời đi vì không thể lấy gì để tự đảm bảo cho mình rồi sẽ tốt hơn.

Có lẽ, rồi đâu đó sẽ ổn. Người ở các tỉnh, vùng nông thôn lại về các thành phố lớn để mưu cầu một cuộc sống khấm khá, tiếp cận y tế và giáo dục tốt nhất có thể, cho họ và cho thế hệ sau. Nhưng, ngày đó không phải là một hay hai tuần nữa, thậm chí không phải là trong ngắn hạn. Đô thị, các khu công nghiệp, các dịch vụ đã và sẽ thiếu người.

Bình thường mới chỉ… bình thường khi mọi thứ vận hành như đã từng. Có chăng, cuộc sống “mới” khiến người ta sẽ quen với khẩu trang, giãn cách; quen với công nghệ và “quen” với việc coi những ca nhiễm là bình thường, như một loại bệnh cần điều trị. Những thói quen đó, những tuân thủ đó rồi sẽ cũ.

Có cái gì mới hoài đâu?

1 BÌNH LUẬN

  1. Bình thường mới là sự nâng cấp của tình trạng bình thường. Để sống chung với dịch, Singapore đưa ra 7 cách: 1. Không nhậu nhẹt, quán xá cho người chưa tiêm vaccin, 2. Không cách ly do tiếp xúc gần, 3. Chỉ test covid với người ốm yếu, 4. Mắc covid được khuyên nên ở nhà tự xử, 5. Triển khai tiêm vaccin cho trẻ em, 6. Tiêm mũi thứ 3 bổ sung cho người lớn, 7. Giai đoạn chuyển tiếp sang bình thường mới sẽ kéo dài từ 3-6 tháng. Lộ trình rất rõ, không chung chung, không hô hào, ai cũng hiểu và dễ thực thi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới