Thứ tư, 28/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Bít cửa sông’, coi chừng bít luôn đường sống của Đồng bằng sông Cửu Long

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trước áp lực ngày càng lớn của xâm nhập mặn, đã có ý kiến đề xuất xây cống chặn tất cả các cửa sông lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long để giữ nước ngọt. Giải pháp nghe có vẻ thiết thực nhưng nếu nhìn sâu vào căn tính của vùng đất này thì đây có thể là sự can thiệp cực đoan gây hại cho hệ tuần hoàn sông cả vùng châu thổ.

Đề xuất “đóng” các cửa sông xuất phát từ ông Đặng Văn Ngọ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Sóc Trăng, đơn vị đang đối mặt trực tiếp với khó khăn do tình trạng nước ngầm và nước mặt bị nhiễm mặn nghiêm trọng (*).

Chẳng hạn, tại xí nghiệp cấp nước Phú Lợi, có sáu giếng ngầm, thì cả sáu đều bị nhiễm mặn, trong đó, có thời điểm lên đến 7 gam/lít trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ là 2,5 gam/lít.

Đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016, đã làm 350.000 héc ta lúa đông xuân bị thiệt hại, 210.000 hộ dân bị ảnh hưởng nước sinh hoạt, gây thiệt hại kinh tế khoảng 5.500 tỉ đồng. Những con số này là lời cảnh tỉnh rõ ràng và nhu cầu “ngăn mặn - trữ ngọt” là có.

Tuy nhiên, nếu “bít” toàn bộ cửa sông như đề xuất, rõ ràng là sự can thiệp cực đoan vào hệ tuần hoàn sông của cả vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng lớn này.

ĐBSCL được hình thành qua 6.000 năm nhờ dòng Mekong mang phù sa và bùn cát ở thượng nguồn từ Trung Quốc theo dòng nước chảy ra biển Đông. Các số liệu được công bố, cho thấy trước năm 1990, mỗi năm dòng Mekong đưa về ĐBSCL 160 triệu tấn phù sa lơ lửng và khoảng 30 triệu tấn cát sỏi đáy sông, giúp ĐBSCL vươn ra biển Đông trung bình 16 mét mỗi năm và mở rộng về phía mũi Cà Mau đến 26 mét/năm.

Thế nhưng, hệ thống đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn khiến lượng phù sa, bùn cát về vùng hiện đã giảm 50-70%. Điều này, khiến ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam (SIWRP) và Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa có khảo sát nhanh ở 5 địa phương ven biển ĐBSCL, gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Kết quả cho thấy có khoảng 285 km bờ biển bị xói lở, với 300 héc ta đất bị mất đi mỗi năm. Tốc độ sạt lở vùng ven biển của những địa phương này lên đến 25-30 mét/năm thay vì vươn ra biển như trước đây.

Khi phù sa, bùn cát “thoát” ra hướng biển ngày càng ít đi, thì đề xuất “chặn” các cửa sông nếu xảy ra chắc chắn dòng lưu thông của phù sa, bùn cát ra biển sẽ càng ít hơn. Khi đó, hệ quả tất yếu phải xảy ra là sạt lở, mất đất của ĐBSCL diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.

Ở một khía cạnh khác, rõ ràng việc giao thoa của mặn - lợ - ngọt theo con nước “lớn - ròng” đã tạo nên một hệ sinh thái tự nhiên đa dạng với phong phú các mô hình sản xuất như lúa- tôm, lúa-cá, cây ăn trái, tôm nước lợ... Điều này có nghĩa, khi bịt các cửa sông sẽ dẫn đến đảo lộn sự giao thoa của nước mặn - lợ - ngọt là sẽ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên với sự đa dạng vốn có.

Đề xuất “bít” cửa sông lớn bao quanh ĐBSCL để biến sông Tiền, sông Hậu thành những hồ chứa nước ngọt khổng lồ nhưng lâu dài có thể khiến vùng này ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn. Lý do là các loại hoá chất độc hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp không được rửa trôi trong khi hàng năm, chỉ riêng phân bón Việt Nam sử dụng đến 10 triệu tấn, trong đó, ĐBSCL chiếm tỷ lệ lớn khi đây là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, cây ăn trái cả nước.

Điều quan trọng hơn, đề xuất nêu trên đã đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu khi xác định nước “ngọt, mặn và lợ” đều là tài nguyên.

Rõ ràng, nhìn vào kinh tế nước ngọt và kinh tế nước lợ, sự đóng góp của kinh tế nước lợ cũng không hề thua kém như với trường hợp xuất khẩu tôm. Dĩ nhiên, đó là chưa kể kinh tế nước lợ đã tạo ra vô số công ăn việc làm cho người dân qua hoạt động nuôi, chế biến tôm. Vậy, sẽ ra sao khi ngăn mặn giữ ngọt xảy ra?

Trường hợp “chặn dòng” sông Ba Lai đã khiến người dân trong vùng ngọt của dự án đã phải “lén lút” khoan giếng ngầm để lấy nước mặn pha vào nước ngọt nuôi tôm, bởi hiệu quả kinh tế nước lợ cao hơn kinh tế nước ngọt. Đó là chưa kể, địa phương từng có đề xuất chi khoảng 900 tỉ đồng để nạo vét vì sông Ba Lai bị bồi lấp do việc ngăn dòng gây ra.

Khi nhìn sang khía cạnh vận tải thủy, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không hề nhỏ về mặt kinh tế khi dòng chảy hàng hoá không đi bình thường từ khu vực nội địa ra biển và ngược lại.

Rõ ràng, đề xuất “bít” các cửa sông lớn ở ĐBSCL nếu xảy ra sẽ là một sự can thiệp thô bạo, có ảnh hưởng rất lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài đến vùng châu thổ sông Cửu Long. Có thể nói bít cửa sông đồng nghĩa bịt luôn đường sống của ĐBSCL!

---------------------------

(*) https://danviet.vn/de-xuat-lam-8-cong-au-thuyen-bien-song-tien-va-song-hau-thanh-ho-nuoc-ngot-khong-lo-tai-mien-tay-print1324591.html 

3 BÌNH LUẬN

  1. Làm cống ngăn mặn tất cả các sông là vấn đề rất lớn cần nghiên cứu kỹ khi nước biển dâng cao. Công ty cấp nước thì chỉ thấy lợi ích của ngành mình mà có thể giải quyết bằng dẫn ống nước ngọt từ cần Thơ

  2. Trước tiên phải có một bài nghiên cứu về ngập mặn các tỉnh trong ĐBSCL giáp với biển, đừng nói ĐBSCL nói vậy là không chính xác về mặt khoa học, vì có nhiều tỉnh không hề có ngập mặn.
    Hiện nay diện tích ngập mặn là bao nhiêu ha? Trong số Ha ngập mặn này đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước mặn được bao nhiêu Ha, và bao nhiêu Ha bị mất trắng không gieo trồng và nuôi thủy sản nước mặn được? Số Ha mất trắng này lý do vì sao, và có cách nào khắc phục không?
    Hiện nay, cứ đến mùa khô là kêu la ngập mặn mà không hề có số liệu cụ thể, để từ đó đưa ra giải pháp thì rất giống Chí Phèo ăn vạ,, có thể làm tốn ngân sách vô các mục đích vô ích như làm cống ngăn nước mặn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới