(KTSG Online) - Nguồn nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ hoạt động sản xuất lẫn sinh hoạt của người dân được đánh giá không chỉ thiếu về lượng mà chất lượng cũng đang suy giảm. Vậy cần phải làm gì để bảo vệ giá trị của vùng sông nước này?
“Thách thức” nguồn nước ĐBSCL
Tại hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức hôm 15-5, ở thành phố Cần Thơ, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn Khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, khô hạn và xâm nhập mặn ở vùng này xảy ra ngày càng gay gắt, gây nhiều khó khăn nhất là về nước sản xuất lẫn sinh hoạt.
Theo ông, nhiệt độ trung bình đang có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi lượng nước sông Mekong đổ về ĐBSCL lại ngày càng sụt giảm. “Nếu giai đoạn 2000-2011, ĐBSCL có 4 trận lũ lớn, 6 trung bình và 2 lũ nhỏ, thì từ 2012 đến nay, gần như không còn lũ lớn, trong khi lũ trung bình chỉ còn 2 và lũ nhỏ tăng lên 14”, ông dẫn chứng và nói rằng, điều này cho thấy vùng ĐBSCL suy giảm nước cả trong mùa mưa, khiến khô hạn xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, lấn sâu hơn vào nội đồng.
Ông Tuấn cho biết, dù có nhiều công trình hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư, nhưng xâm nhập mặn vẫn có xu hướng đi sâu hơn và nồng độ cao hơn. “Kể cả có những công trình rất lớn như trên sông Cái Lớn, thì mặn vẫn lên sâu hơn 16 km, trong khi những năm trước ít hơn; nồng độ mặn trên sông Cái Lớn ngày 25-4 vừa qua lên đến 21 gam/lít”, ông dẫn chứng.
Khô hạn, thiếu nước không chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng xâm nhập mặn, mà còn dẫn đến một số hệ quả khác, bao gồm sạt lở, ảnh hưởng đến sinh kế, sinh hoạt của người dân và sinh thái của vùng. “Chúng ta đang đối diện với những ngày tháng mà người dân phải xếp hàng đi lấy nước, kể cả một số nơi như TPHCM cũng có cảnh người dân thức đêm xếp hàng”, ông Tuấn nói.
Theo ước tính của ông Tuấn, lượng nước sông Cửu Long trong mùa khô chỉ có khả năng cung cấp an toàn (tức vừa đủ nước cho canh tác không bị tổn thương) với diện tích khoảng 700.000-800.000 héc ta lúa, trong khi cả vùng có đến 1,5 triệu héc ta lúa/vụ. “Hiện nay, canh tác cây ăn trái cũng bị suy kiệt, giảm sản lượng, dù trong năm nay diện tích bị thiệt hại nhỏ hơn năm 2016 và 2020”, ông cho biết.
Có một điểm đáng lưu ý được ông Tuấn nêu ra, đó là hiện có nhiều địa phương tìm cách đầu tư cống ngăn mặn trên các dòng nhánh để bảo vệ canh tác phía trong, tuy nhiên, việc này làm mặn trên dòng chính gia tăng. “Năng lượng thuỷ triều không được phân tán xung quanh, nó đẩy mặn sâu vào đất liền theo dòng chính, làm vùng đất phía thượng nguồn đối diện tình trạng mặn cao hơn”, ông cho biết.
Theo ông Tuấn, với những dòng sông đầu tư công trình ngăn mặn để trữ ngọt trở thành vùng nước tù, ô nhiễm và có ảnh hưởng đến cả vùng. “Khi chúng ta vận hành không tốt, thì dù đang làm để ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng có khả năng trở thành thích ứng sai. Đây là vấn đề cần nhìn nhận và cân nhắc rất kỹ”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho biết, khu vực ĐBSCL hiện đang chịu ba tác động mang tính thách thức. Thứ nhất là những tác động từ phía thượng nguồn khi gia tăng đầu tư các hồ thuỷ điện, gia tăng sản xuất ở Thái Lan, Lào và Campuchia; thứ hai, là tác động từ nước biển dâng do biến đổi khí hậu với mức khoảng 3 đến 4 mm/năm và cuối cùng là tác động nội tại do phát triển kinh tế xã hội, khiến ĐBSCL đang lún với tốc độ 1 đến 3 cm/năm.
Những tác động nêu trên khiến ĐBSCL đối mặt với rất nhiều rủi ro và thách thức. Trong đó, rõ nhất là sạt lở bờ sông bờ biển, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên hơn và vấn đề ngập lụt. “Ngập ở đây là do triều cường vì nước biển dâng trong khi đất sụt lún, chứ không phải do lũ vì so với trước đây tần suất lũ lớn đã giảm”, ông Hoằng cho biết.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các hồ thủy điện ở thượng lưu xây dựng hết sẽ có khoảng 110 tỉ m3 nước bị giữ lại, khiến tần suất xảy ra lũ lớn ở ĐBSCL chỉ còn 1-2%, tức trong 100 năm chỉ xảy ra 1-2 lần. Điều này, làm giảm phù sa về vùng ĐBSCL và việc cân bằng giữa bồi với xói lở, thì một năm mất hơn 300 héc ta đất.
Cần phải làm gì cho ĐBSCL?
Đứng trước thách thức nêu trên, ông Tuấn của Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL cho biết, có bốn yếu tố cần lưu ý, đó là thứ nhất, thường xuyên cập nhật khô hạn và xâm nhập mặn cũng như quan trắc môi trường để cảnh báo; thứ hai, điều chỉnh lịch thời vụ cũng như chuyển đổi loại hình sản xuất nông nghiệp; thứ ba, áp dụng giải pháp sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là có chương trình chia sẻ nguồn nước, ưu tiên phân phối nước cho các lĩnh vực khác nhau.
Đối với chuyển dịch canh tác, theo ông, nông dân ĐBSCL đã biết theo dõi lịch, dự báo thời tiết, nghe khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để chuyển dịch canh tác.
“Còn biện pháp tiết kiệm nước trong nông nghiệp bước đầu cũng đã được áp dụng như tưới ngập khô xen kẽ trong đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao hoặc mở rộng diện tích tôm lúa”, ông cho biết.
Theo ông Tuấn, đối với nước sinh hoạt, cần đa dạng hoá nguồn trữ cho người dân, tức bên cạnh các chương trình của Nhà nước, người dân cần làm mương trữ nước hay các chương trình phân phối, chia sẻ nguồn nước.
Về chiến lược lâu dài cho ĐBSCL, có 6 giải pháp có thể thực hiện, bao gồm thứ nhất, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên; thứ hai, giảm diện tích lúa, chuyển sang thuỷ sản, rau màu và cây ăn trái; thứ ba, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn; thứ tư, hạn chế khai thác nước ngầm, bổ cập nhân tạo nước dưới đất; thứ năm, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt; thứ sáu là xây dựng công trình hồ chứa nước lũ và vật dụng chứa nước mưa.
Ông Hoằng của Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam thì khuyến nghị, vùng ĐBSCL cần thích ứng theo hướng có kiểm soát, chủ động tạo ra cơ chế nước hợp lý để giảm những tác động rủi ro.
Theo ông, khu vực ĐBSCL không thiếu nước khi mùa khô vẫn có thể tiếp nhận 60-70 tỉ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỉ m3, tức có một lượng lớn nước không sử dụng đã chảy ra biển. Do đó, vấn đề của ĐBSCL là có biện pháp “giữ nước” để sử dụng.
Để chủ động thích ứng, ông Hoằng gợi ý, cần nghiên cứu xây dựng cống ở các cửa sông lớn. “Ví dụ, sông Vàm Cỏ đã được Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đưa vào trong quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông dẫn chứng.
Về lâu dài, tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn, cần tiếp tục có nghiên cứu các công trình kiểm soát nguồn nước ở cửa sông. “Ở đây, phải hiểu rằng chúng ta kiểm soát nguồn nước chứ không phải ngăn mặn. Việc kiểm soát nguồn nước là để phục vụ cho nhu cầu sản xuất đa mục tiêu, chứ không phải phục vụ phát triển sản xuất lúa như tư duy trước đây”, ông Hoằng nhấn mạnh.
Đối với những vùng “cố gắng” ngọt hoá để gia tăng diện tích lúa nhưng không mang lại hiệu quả, thậm chí tạo ra những hệ luỵ xấu như ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), ông Hoằng khuyến nghị, địa phương cần chuyển đổi, không nên ngọt hoá ở vùng khó khăn nguồn nước hay nói cách khác khôi phục lại hiện trạng tự nhiên vốn có. “Đây là những định hướng lớn của chúng tôi”, ông nói.