Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bitcoin, Blockchain kỳ vọng chuyển mình từ ‘góc xám’ sang cửa sáng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá bitcoin liên tục lập kỷ lục trong năm 2024 đem lại niềm cảm hứng lớn cho các nhà đầu tư lẫn nhà khởi nghiệp blockchain. Nhưng tại Việt Nam, sự cởi mở về pháp lý mới là điều mà họ kỳ vọng ở dòng chảy đầu tư chưa được thừa nhận chính thức.

Đồng bitcoin lại tiếp tục phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024. Ảnh: Pexels.

Năm đi lên của Blockchain

Giá đồng bitcoin là loại tài sản tăng giá tốt nhất trong năm 2024 và chỉ mất chưa đến 2 tháng để đạt mức giá này. Theo đó, đồng tiền mã hóa này nhanh chóng tăng một mạch đến đạt đỉnh 106.000 đô la Mỹ/coin, tức tăng gấp 2,5 lần so với hồi đầu năm, theo số liệu của Coinmarketcap.

Đà tăng bitcoin gắn liền với sự kiện ông Donald Trump, người được cho công khai ủng hộ đồng tiền này, thắng cử Tổng thống vào đầu tháng 11 vừa qua. Thị trường tiền mã hóa thế giới giữa tháng 12 cũng đã có sự điều chỉnh khá mạnh khi giá bitcoin xuống trở lại dưới mốc 95.000 đô la/đồng, sau sự kiện Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nói rằng cơ quan này không có ý định dự trữ đồng bitcoin.

Nhưng dù sao đi nữa, sự lên giá của bitcoin trong một thời gian ngắn cuối năm đã “đánh thức” khái niệm Blockchain giữa một năm tràn đầy tin tức về trí tuệ nhân tạo, một xu hướng công nghệ mới thu hút dòng tiền đầu tư khổng lồ chảy khắp nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, thị trường giao dịch cũng sôi động không kém dù tiền mã hóa chưa được thừa nhận chính thức ở bất kỳ kênh nào. Nhưng không chỉ có tiền mã hóa, các nhà đầu tư trong mảng blockchain cũng được cho là đang hưởng lợi từ sự đi lên của thị trường nói chung.

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Chi hội Blockchain TPHCM, trong chu kỳ đồng bitcoin đi lên lần này, những dự án kiểu đa cấp, lừa đảo tại Việt Nam nhìn chung cũng đang ít dần so với các mùa trước. Dù thị trường cũng khắc nghiệt hơn, nhưng kiến thức và tư duy của nhà đầu tư cũng đi lên đáng kể.

Bên cạnh đó, các dự án liên quan đến blockchain cũng tăng hơn rất nhiều, cả về số lượng cũng như chất lượng. “Các dự án hoàn thiện về mặt công nghệ, sau đó đẩy mạnh ứng dụng thực tế rộng rãi thay vì đơn thuần phát hành token gọi vốn như trước đây, từ đó qua sàng lọc thực tế của thị trường. Sự chỉ đạo của các bộ, sở ban ngành, hiệp hội cũng như thành phố rất ủng hộ triển khai những dự án như vậy”, ông Vinh đánh giá.

Trong báo cáo cập nhật mới đây của Chainalysis năm 2024, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn cầu về Chỉ số chấp nhận tiền mã hóa, với hơn 17 triệu người sở hữu và dòng vốn từ thị trường blockchain đạt hơn 105 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023-2024.

Một trong những khái niệm được nhắc đến nhiều tại Việt Nam trong năm qua là “tài sản số”, dù nhìn chung mọi người thường đánh đồng là một loại tiền mã hóa hay còn gọi là “tiền ảo”. Vấn đề là các bên có liên quan hiện đang nỗ lực thoát khỏi “vùng xám” này.

Cơ hội chuyển mình từ ‘vùng xám’

Dù không công nhận, thực tế các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp. Điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến câu chuyện rửa tiền, mà nhiều người cũng lo ngại về sự thất thoát về doanh số và cả nguồn lực của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo ông Vinh, điểm khó của thị trường hiện nay là chưa có định nghĩa pháp lý về khái niệm tài sản số nên cá nhân, doanh nghiệp khi làm việc và truyền thông cũng có cách hiểu khác nhau.

T.S. Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kế toán và Luật tại RMIT Việt Nam, nói rằng kinh nghiệm một số quốc gia đi trước là đều đưa vấn đề tiền mã hóa vào kiểm soát.

Chẳng hạn Liên minh châu Âu (EU) đã giới thiệu Luật về Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa (MiCA), tạo ra một khung pháp lý thống nhất để bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường tính minh bạch và đảm bảo tính bền vững của thị trường giữa các quốc gia thành viên. Trong khi đó, Mỹ sử dụng biện pháp phi tập trung, với việc các cơ quan liên bang và tiểu bang cùng chia sẻ trách nhiệm giám sát. Các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) thực thi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo tính liêm chính của thị trường.

Do đó, theo TS. Sơn, Việt Nam nên yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa đăng ký và tuân thủ các quy định chống rửa tiền; đồng thời triển khai mô hình thử nghiệm, hỗ trợ cho doanh nghiệp blockchain phát triển các giải pháp sáng tạo dưới sự giám sát của chính phủ.

“Quan trọng nhất, Việt Nam phải cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư với thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một khung pháp lý được thiết kế tốt sẽ mở ra tiềm năng của blockchain trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia", TS. Sơn nhìn nhận.

Một trong những kỳ vọng mới hiện nay là bộ luật Công nghiệp Công nghệ số đang được dự thảo và lấy ý kiến. Chia sẻ tại Hội thảo “Pháp lý Tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số”, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Truyền thông và Thông tin, cho biết các quy định này xây dựng theo hướng thúc đẩy hơn là quản lý “cứng” lĩnh vực công nghiệp công nghệ số nói chung và tài sản số nói riêng, khoảng 10% nội dung cho thấy quan tâm đối với lĩnh vực tài sản số là đang rất lớn.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đánh giá sau nhiều lần sửa đổi, luật đã phân biệt rõ khái niệm tài sản số và tài sản mã hoá, phù hợp với các quy định pháp lý hiện tại và tương đồng với hệ thống quy định của một số nền kinh tế như Mỹ.

“Khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, một phần trong số vốn này có thể sẽ được chuyển sang khu vực hợp pháp, đóng góp tích cực cho nền kinh tế và giảm thiểu những nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố hay lừa đảo trên không gian mạng đang rất nhức nhối hiện nay”, ông Trung nhấn mạnh.

Có hành lang pháp lý đang là sự mong chờ của nhiều nhà khởi nghiệp liên quan đến công nghệ blockchain, vốn được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là tiền mã hóa. Hiện nay, Chi hội Blockchain TPHCM cùng Hội Truyền thông – Điện tử TPHCM, Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam thử nghiệm xây dựng hệ thống đăng ký công bố bản quyền trên mạng ngang hàng, nhằm số hóa các tài sản số trong lĩnh vực bản quyền.

Cuộc chơi pháp lý của Blockchain vẫn còn là chặng đường dài. Theo bà Hằng, một bộ luật Công nghiệp công nghệ số duy nhất khó lòng quản lý hết các loại tài sản số, vốn đang chủ yếu được thể hiện dưới dạng là tài sản mã hóa. Ngoài ra, rất nhiều lĩnh vực có liên quan, chẳng hạn như ngành tài chính, sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể khi khái niệm tài sản số có hiệu lực, không chỉ là thay đổi các dịch vụ đang cung cấp mà còn mở ra cơ hội tạo ra một loại tài sản chưa từng có trước đây.

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong Google tài chính bitcoin giao dịch bằng cách mua cổ phiếu thì chuyển hóa sang các điều kiện quy đổi sang tiền ngân hàng băng cách nào ạ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới