Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Blockchain, dưới góc nhìn của luật về bằng sáng chế

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Blockchain (công nghệ lưu trữ thông tin dạng chuỗi khối) không còn là một thuật ngữ mới mẻ trong giới công nghệ Việt Nam. Có thể hiểu công nghệ này như một “cuốn sổ cái” ghi chép và lưu trữ thông tin các giao dịch.

 

Cơ sở dữ liệu blockchain được tổ chức thành liên kết dạng chuỗi của các khối thông tin (block), cho phép phát triển và mở rộng theo thời gian, khi dữ liệu mới được nhập thì sẽ hình thành thêm các khối mới.

Không chỉ là công nghệ đứng đằng sau tiền mã hóa bitcoin, blockchain còn có vô số những ứng dụng phi tài chính, như trong lĩnh vực an ninh mạng, quản lý hành chính, giáo dục, theo dõi lịch sử hàng hóa, dịch vụ... Gần đây, làn sóng sử dụng blockchain trong lĩnh vực mua bán tác phẩm nghệ thuật còn làm người ta đặt câu hỏi liệu blockchain có đang làm một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực nghệ thuật hay không.

Không thể phủ nhận rằng blockchain đã và đang có những ảnh hưởng to lớn tới nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Số lượng đơn đăng ký sáng chế liên quan tới các giải pháp công nghệ từ blockchain đang ngày càng tăng nhanh. Không khó để có thể thấy các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đang “chạy đua” trong cuộc chiến bằng sáng chế trong lĩnh vực này. Hiện nay, Trung Quốc đang có những nỗ lực to lớn để đứng đầu trong cuộc đua. Chính phủ Trung Quốc coi blockchain như một công cụ kinh tế, chính trị và địa chính trị, vì thế đặc biệt thúc đẩy nghiên cứu và phát triển ứng dụng blockchain(1). Từ năm 2008-2018, trên toàn thế giới, tổng số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế liên quan tới blockchain đã tăng từ 0 tới 3.622 đơn. Có khoảng 56% tổng số lượng này được nộp ở Trung Quốc. Tỷ lệ này là 34% ở Mỹ và khoảng 10% ở châu Âu(2).

Theo một nghiên cứu gần đây, các công ty Trung Quốc đứng đầu trong công nghệ blockchain là Alibaba, Tencent và Vechain, trong đó Alibaba được coi là công ty đứng đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế liên quan tới blockchain. So với Trung Quốc, một số nước/vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng là những đối thủ cạnh tranh nặng ký. Nước Pháp dưới thời của Tổng thống Macron cũng thể hiện quyết tâm để trở thành một quốc gia “blockchain”, qua sự kiện “Paris Blockchain Conférence” năm 2019.

Ở góc độ pháp lý, nhiều người có thể nhìn nhận công nghệ blockchain như một “ý tưởng” không có tính kỹ thuật, và vì thế khó có thể coi đây là một phát minh đáp ứng yêu cầu để có thể cấp bằng sáng chế. Trong bối cảnh số lượng đơn đăng ký ngày càng tăng cao, và để giải đáp những thắc mắc pháp lý, năm 2018, Cơ quan Sáng chế châu Âu (European Patent Office - EPO) đã tổ chức một hội thảo quốc tế về khả năng được cấp bằng sáng chế của các phát minh liên quan tới blockchain. Theo EPO, những phát minh này được coi là phát minh dạng “do máy tính thực hiện” (computer-implemented inventions). Vì thế, phát minh phải đáp ứng được yêu cầu của điều 52 Công ước châu Âu về bằng sáng chế: thứ nhất là phát minh phải giải quyết một vấn đề kỹ thuật, và thứ hai là đóng góp kỹ thuật này phải mang tính sáng tạo, mới so với hiện trạng công nghệ đã có.

Việc chứng minh rằng phát minh giải quyết một vấn đề kỹ thuật không hẳn là dễ: ví dụ, nếu như phát minh chỉ liên quan tới việc sử dụng blockchain để theo dõi sự di chuyển của sản phẩm, thì nó khó có thể được EPO cấp bằng sáng chế. Những phát minh có thể đăng ký bằng sáng chế có thể là phương pháp nâng cao an ninh an toàn của chính blockchain, hay cũng có thể là ứng dụng blockchain vào một mục đích cụ thể và giải quyết một vấn đề kỹ thuật cụ thể. Xin bổ sung rằng hiện nay một số cơ quan sáng chế quốc gia cũng sử dụng phương pháp tiếp cận này của EPO, ví dụ như SIPO của Trung Quốc.

Hiện nay, số lượng đơn cấp bằng sáng chế cho phát minh liên quan tới blockchain thường là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhưng phạm vi của nó đang ngày được mở rộng hơn sang các lĩnh vực khác. Có thể nói, nhìn chung tỷ lệ đơn đăng ký sáng chế bị bác bỏ là khá cao trong lĩnh vực phát minh liên quan tới công nghệ blockchain. Tuy nhiên, vì công nghệ này có những tiềm năng to lớn có thể làm thay đổi cả bộ mặt tương lai, nên các công ty công nghệ lớn trên thế giới đều không ngần ngại bỏ chi phí đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ với các phát minh liên quan tới lĩnh vực này.

----------

(1) https://www.iss.europa.eu/content/chinas-blockchain-and-cryptocurrency-ambitions#_introduction
(2) Theo báo cáo “The emerging blockchain patent landscape” của EPO (2018).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới