Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Blockchain gaming, vốn hóa tỉ đô và câu chuyện đánh thuế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Blockchain gaming, vốn hóa tỉ đô và câu chuyện đánh thuế

Hồ Quốc Tuấn (*)

(KTSG) – Gần đây, mảng blockchain gaming đang thu hút mối quan tâm của nhiều người ở Việt Nam, với việc nhiều người mua “thú” để chơi, vừa “đào” các token (phát hành dưới dạng phần thưởng trong trò chơi) để kiếm tiền. Vừa vui, vừa có tiền, nên nhiều người đã tham gia. Tỷ suất sinh lợi có người kiếm được từ 12-20%/tháng tùy theo thời điểm bắt đầu tham gia “cày” game và biến động của giá token.

Blockchain gaming, vốn hóa tỉ đô và câu chuyện đánh thuế
Cảnh trong game Axie Infinity. Ảnh chụp màn hình

Đỉnh điểm của mối quan tâm là thông tin token AXS của trò chơi Axie Infinity tăng giá đột biến liên tục, đẩy vốn hóa tăng nhanh đến hơn 3 tỉ đô la Mỹ. Nhiều bài viết trong nước đã bóng gió hay thậm chí nói thẳng về vấn đề nộp thuế. Có bài viết còn chỉ ra doanh nghiệp này nộp thuế 0 đồng ở Việt Nam.

Vậy câu chuyện đằng sau vấn đề này là thế nào?

Thiếu cơ sở pháp lý về xác định tiền mã hóa có phải tài sản hay không để đánh thuế

Trước tiên, cần nhận thấy rằng vốn hóa của token trò chơi Axie Infinity không thể được dùng làm cơ sở để đánh thuế công ty Sky Mavis – startup đang sở hữu trò chơi Axie Infinity, hay người sáng lập là Trung Nguyễn.

Hiểu nôm na, bản thân trò chơi Axie Infinity là một dạng nền tảng (platform) mà trên đó người chơi tương tác, nuôi “thú”, chiến đấu với nhau kiếm token thưởng và cũng có thể bán “thú” cho nhau. Nếu như ông A bán một con thú cho ông B, thì hai người đó phát sinh doanh thu và lợi nhuận, chứ bản thân tiền giao dịch đó đâu thể tính hết cho cái nền tảng trò chơi. Nó cũng như người ta không bao giờ có thể lấy tổng giá trị giao dịch hay vốn hóa để mà tính thuế cho sàn chứng khoán HOSE hay các công ty chứng khoán vậy.

Điều quan trọng hơn, Việt Nam thiếu hẳn một khung pháp lý về tiền mã hóa và các token trong các trò chơi thuộc dòng blockchain gaming. Các tiền mã hóa, vật phẩm trong trò chơi và token có được xem là tài sản không? Nếu không phải tài sản thì giao dịch mua bán các vật phẩm đó không được xem là các giao dịch chuyển nhượng tài sản.

Theo luật thuế tài sản tiền mã hóa của Anh, Mỹ và Singapore, nếu đã không công nhận các loại tiền mã hóa, vật phẩm trong trò chơi và các token là tài sản, thì cũng không có cơ sở xác định một giao dịch bán tài sản hay chuyển nhượng tài sản, vậy thì lấy cơ sở nào để đánh thuế? Chúng ta không thể thu thuế khi mà khung pháp lý về xác nhận tiền mã hóa có phải tài sản không, cơ sở đánh thuế là gì… chưa được hoàn thiện.

Doanh nghiệp gia công không có lời làm sao thu thuế?

Ở một mặt khác, việc nhắm vào trò chơi có lượng token có vốn hóa lớn (trò chơi này có hai loại token là AXS và SLP) là giả định các tài sản mã hóa (crypto asset) liên quan đến công ty Sky Mavis có trụ sở tại Việt Nam. Trong khi đó, theo giải thích của người sáng lập công ty thì Sky Mavis thành lập và đặt trụ sở chính tại Singapore và công ty tại Việt Nam chỉ là công ty gia công cho công ty ở Singapore. Công ty tại Việt Nam đã quyết toán thuế xong và bị lỗ nên không có nộp thuế. Vốn hóa trên thị trường tiền mã hóa của các token Axie Infinity cũng không liên quan gì đến công ty đặt tại Việt Nam.

Một lần nữa, chúng ta thấy rằng công ty ở Việt Nam vẫn chỉ đang làm gia công. Và người Việt Nam chỉ đang tiêu thụ nội dung game và “cày” token. Nói cách khác, như trên thị trường hàng hóa thật, trên thế giới blockchain gaming, chúng ta vẫn chỉ là nơi thực hiện gia công và tiêu thụ. Cái phần giá trị nhất của chuỗi giá trị nằm ở nước láng giềng Singapore.

Đừng nhìn vào ngắn hạn để rồi có một sự kiện Flappy Bird thứ hai

Trong các chuỗi giá trị hiện tại trong mảng tài sản mã hóa, Việt Nam đang có sự tiếp nhận mạnh mẽ của cộng đồng ở Việt Nam đối với loại tài sản và hoạt động này, có khả năng tạo ra tổng giá trị giao dịch lớn và có thể tạo ra một hệ sinh thái nền kinh tế tiền mã hóa lớn (crypto-economy) mà những thứ trong nền kinh tế thực như phim ảnh, nhạc, hội họa hay thời trang có thể tạo cộng hưởng.

Gần đây thì ở nước ngoài, những hãng thời trang lớn như Burberry và Dolce & Gabbana hợp tác với các loại blockchain game này để phát hành các tài sản NFT. Họa sĩ Xèo Chu cũng vừa bán đấu giá thành công bức tranh NFT đầu tiên trên nền tảng Binance với giá hơn nửa tỉ đồng. Mối liên hệ giữa trò chơi điện tử với các sản phẩm nghệ thuật số như tranh và nhạc còn có thể chặt chẽ hơn so với các hãng thời trang.

Nói cách khác, một hệ sinh thái kinh tế tiền mã hóa đầy tiềm năng đang dần hình thành trên toàn cầu và Việt Nam không nên để mất cơ hội giành lấy cái vị thế trung tâm của hệ sinh thái này ở Đông Nam Á với một lượng người tham gia thuộc loại đông đảo nhất khu vực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta nên bỏ qua những lợi ngắn hạn như thuế trước mắt để tránh mất đi những doanh nghiệp và cả chất xám về tay nước ngoài như sự kiện Flappy Bird.

Vì sao các công ty FDI đầu tư vào Việt Nam có thể được miễn thuế, ưu đãi tiền thuê đất nhiều năm mà doanh nghiệp do người Việt Nam sáng lập và với một cộng đồng người tiêu dùng đông đảo ở Việt Nam lại không được ưu đãi? Lý lẽ và nền tảng điều hành chính sách nào ủng hộ cho cách đối xử con ruột tệ hơn người ngoài như vậy?

Có một sự thật là hầu hết các công ty crypto gaming này đang ở Singapore, nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt và dễ tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư quốc tế. Nếu tiếp tục không ưu đãi gì hay tệ hơn là chỉ chăm chăm đánh thuế các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, Việt Nam có nguy cơ sẽ để mất vai trò đầu não hoạch định nền kinh tế tiền mã hóa về tay nước láng giềng, còn chúng ta trở thành cái thị trường tiêu thụ cho họ kiếm lời cũng như làm gia công cho họ.

Ở vào giai đoạn cần xây dựng và thu hút chất xám về trong nước, thì khoan hãy vội bàn tới chuyện đánh thuế. Chúng ta có thể xây dựng luật thuế và khuôn khổ pháp lý tài sản tiền mã hóa (rất cần thiết), nhưng chúng ta có thể áp dụng thuế suất ưu đãi 0% trong một thời gian dài để thu hút nguồn lực. Nếu ưu đãi cho doanh nghiệp FDI được thì cũng có thể ưu đãi cho các startup của nền kinh tế tiền mã hóa được.

Singapore đã công bố tham vọng thành một thế lực toàn cầu (world force) về các loại game thể thao điện tử, một thị trường dự kiến tăng trưởng mỗi năm hơn 20% cho đến 2024. Họ chắc chắn sẽ không bỏ qua blockchain gaming. Họ đã xây dựng những hạ tầng về 5G cũng như trung tâm chơi game trọng điểm và các cửa hàng bán lẻ theo chủ đề game, trung tâm huấn luyện game thủ cũng như hệ thống khách sạn – cơ sở tổ chức sự kiện game.  Còn chúng ta đang làm gì? Hay có lẽ đúng ra cần hỏi, chúng ta có biết mình muốn làm gì với lĩnh vực mới mẻ này không?

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài báo này rất hay, cần kiến nghị với Chính phủ. Mới đọc thông tin 100% doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử và blockchain của người Việt Nam đặt trụ sở ở Singapore mà đau lòng quá. Lâu lắm mới thấy 1 sản phẩm/thị trường có thể làm thế mạnh của VN trên thế giới vậy mà cuối cùng chịu cảnh “rót” hết chất xám của startup Việt Nam cho Singapore. Trung Nguyễn, mong anh dời trụ sở về lại quê nhà, coi như là tiên phong để Nhà nước quan tâm về tiềm năng của ngành này để ra những chính sách hợp lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới