(KTSG Online) – Tại cuộc họp hồi đầu tuần qua, Bộ chính trị Trung Quốc thừa nhận tăng trưởng kinh tế đang ở dạng “lượn sóng” và “zig zag”, đồng thời khẳng định quyết tâm tinh chỉnh các chính sách về bất động sản, giãn nợ và thị trường vốn. Thông điệp này làm dấy lên hy vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tăng trưởng chủ động hơn trong những tháng tới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của thông điệp này cho đến khi các biện pháp cụ thể được triển khai.
- Cuộc giải cứu bất động sản đang khiến các ngân hàng Trung Quốc trả giá
- ‘Thập kỷ mất mát’ của Trung Quốc đang diễn ra
Tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc được đưa ra sau cuộc họp hôm 24-7 ghi nhận kinh tế vĩ mô đang thách thức hơn và cam kết “tăng cường chính sách hỗ trợ nghịch chu kỳ”, ám chỉ đến kế hoạch tăng chi tiêu và cắt giảm thuế trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng yếu ớt.
Tuyên bố nắn chỉnh tiến trình chính sách kinh tế của Bộ Chính trị Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh dữ liệu kinh tế đáng thất vọng trong quí 2, làm dấy lên lo ngại tăng trưởng của Trung Quốc đã mất đà.
Theo Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, đây là lần đầu tiên thuật ngữ “nghịch chu kỳ” được đề cập tại một cuộc họp Bộ Chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2019. Thuật ngữ này báo hiệu xu hướng nới lỏng chính sách.
“Điểm nổi bật là sự chuyển hướng ủng hộ tăng trưởng trong giọng điệu chính sách liên quan đến bất động sản và nợ của chính quyền địa phương. Lập trường chính sách ngắn hạn của Trung Quốc cũng đang trở nên chủ động hơn”, Hu nói.
Lần đầu tiên sau 5 năm, 24 thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc bỏ cụm từ “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Thay vào đó, tuyên bố của Bộ Chính trị đề cập đến việc “điều chỉnh và tối ưu hóa chính sách bất động sản một cách kịp thời”, vì cơn bất ổn của lĩnh vực bất động sản hiện là lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc.
“Nhiều chương trình nới lỏng bất động sản sẽ được triển khai để hỗ trợ cả nhu cầu tài chính của các nhà phát triển bất động sản lẫn nhu cầu nhà ở của người dân”, Hu nói khi dự báo về các động thái chính sách sẽ được triển khai trong thời gian tới ở Trung Quốc.
Các nhà kinh tế cho biết, đối với các chính quyền địa phương đang thiếu tiền mặt, tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc cho thấy ưu tiên chính sách không còn là giảm nợ mà là ngăn chặn khủng hoảng niềm tin.
“Điều này củng cố thêm quan điểm của chúng tôi rằng Bắc Kinh có thể tăng cường chuyển giao ngân sách cho chính quyền địa phương, nơi dường như đang vật lộn để quản lý khoản nợ cực lớn trị giá 86 nghìn tỉ nhân dân tệ (12 nghìn tỉ đô la Mỹ) tính đến tháng 6, đặc biệt khi doanh thu bán đất của họ giảm mạnh”, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, nói.
Theo tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc, nhu cầu không đầy đủ trong nước được xác định là một trong những thách thức chính đối với triển vọng tăng trưởng. Thông điệp này chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy tiêu dùng, trong khi chính sách tiền tệ, vốn đã rất lỏng lẻo, sẽ mang tính hỗ trợ, theo Erin Xin, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC.
“Trọng tâm của Bắc Kinh vẫn là xây dựng nhu cầu trong nước, chủ yếu thông qua các chính sách tiêu dùng có mục tiêu, hỗ trợ khu vực tư nhân và hỗ trợ cơ sở hạ tầng”, Xin nói.
Thay vì trợ cấp tiền mặt rộng rãi để thúc đẩy tiêu dùng như ở nhiều nền kinh tế phát triển trong đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị Trung Quốc trước đó đã công bố các chính sách hỗ trợ từng phần, có mục tiêu đối với các lĩnh vực ô tô, đồ điện tử và nhu yếu phẩm gia đình, cũng như thể thao, hoạt động giải trí và dịch vụ du lịch.
Bộ Chính trị tuyên bố sẽ mở rộng tiêu dùng bằng cách tăng thu nhập hộ gia đình. Và lần đầu tiên, cơ quan hoạch định chính sách cao nhất cho biết, “việc ổn định việc làm nên được nâng lên một tầm cao chiến lược”.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Standard Chartered, nhận xét, giữ mục tiêu thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức khoảng 5,5% trong năm nay là điểm mấu chốt mới của Bắc Kinh.
“Nếu tỷ lệ thất nghiệp tổng thể bắt đầu tăng, thay vì chỉ tăng ở tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, thì nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp kích thích lớn hơn”, Ding nói. Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động 16-24 ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 21,3%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị không thay đổi, ở mức 5,2%.
Bộ Chính trị Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và tăng cường niềm tin cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, rất khó vực dậy niềm tin ở khu vực tư nhân sau khi các lĩnh vực gồm công nghệ, bất động sản và gia sư chịu ảnh hưởng nặng nề do chiến dịch siết chặt quản lý của Bắc Kinh trong vài năm qua.
Nhà kinh tế Larry Hu nói: “Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cần táo bạo hơn và sáng tạo hơn nếu họ muốn thúc đẩy tinh thần trong các doanh nhân tư nhân”.
Theo Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc của Capital Economics, dù Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng, nhưng lại không đưa ra bất kỳ thông báo mới quan trọng nào.
“Các cuộc họp của Bộ Chính trị đưa ra phương hướng tổng thể của chính sách và các cơ quan khác sẽ chịu trách nhiệm soạn ra các chi tiết. Ở giai đoạn này, đơn giản là còn quá sớm để nói đánh giá tác động từ tuyên bố của Bộ Chính trị”, Pritchard nói.
Ông nhận định, sự thiếu vắng bất kỳ thông báo quan trọng hoặc chi tiết cụ thể nào về chính sách cho thấy sự thiếu khẩn cấp hoặc các nhà hoạch định chính sách đang gặp khó khăn trong việc đưa ra các biện pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng.
“Dù hiểu theo cách nào, điều này cũng không mang lại sự yên tâm lớn cho triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc ngắn hạn”, ông nói.
Theo SCMP