(KTSG Online) - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn, cả về hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nhập hàng.
- Đại lý bán lẻ xăng dầu có thể được lấy hàng từ nhiều nguồn
- Đã có bốn cửa hàng xăng dầu ở TPHCM xin giải thể
Cổng thông tin Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu (VINPA) nhận định, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển, không nảy sinh vấn đề thiếu hụt nguồn cung dù nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bị trục trặc về kỹ thuật vào thời điểm đầu năm 2023.
Tuy nhiên, đại diện VINPA cho rằng các doanh nghiệp đầu mối, cung ứng xăng dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính để nhập hàng, cho dù hạn mức tín dụng vẫn đầy đủ, thậm chí dư thừa nhưng điều kiện cho vay rất khó, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Nhận định về tình hình thị trường xăng dầu trong nước quí 1, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định hoạt động kinh doanh xăng dầu tương đối khá ổn định, tuy nhiên nguồn cung trong nước vẫn còn bị động. Về nguồn cung nhập khẩu từ nước ngoài, một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn chưa thực hiện đủ số lượng phân giao, hệ thống kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận vốn tín dụng, trong khi đây là mặt hàng chiến lược, cần có cơ chế riêng.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn, cả về hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nhập hàng.
Ngoài ra, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm.
Các doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống, cả nguồn trong nước và nhập khẩu; theo dõi sát tình hình nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu phù hợp (nhập sớm, đủ số lượng, đúng chủng loại)…
Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo các nhà máy lọc dầu cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường trong nước theo cam kết; yêu cầu các Nhà máy khi có sự cố tạm dừng hoạt động sản xuất thì phải kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng và các đầu mối mua hàng trước hàng tháng (trừ trường hợp bị sự cố bất ngờ) để chủ động về nguồn hàng.
Vốn chưa bao giờ thiếu cho nhập khẩu xăng dầu. Vướng mắc lớn nằm ở chỗ cơ chế điều hành trong khâu lưu thông phân phối còn nhiều bất hợp lý, khiến dòng chảy xăng dầu không thể thông suốt, đại lý và đầu mối liên tục mâu thuẫn. Nội tại rắc rối chính là vấn đề lớn trong công tác quản lý xăng dầu hiện nay.