(KTSG Online) - Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/trạm sạc xe điện.
- Trạm sạc xe điện được đầu tư ‘hoành tráng’ và nổi bật hơn
- Xây dựng mạng lưới trạm sạc xe điện siêu tốc ở châu Âu
Bộ Công Thương cho biết hiện nay thị trường xe điện trên thế giới đang phát triển rất mạnh. Ngành công nghiệp sạc điện bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các trạm sạc điện, dịch vụ thu phí sạc điện và các dịch vụ khác đang tăng lên nhanh chóng.
Các trạm sạc phát triển theo hai mô hình: một do các công ty ô tô xây dựng các trạm sạc dành riêng cho xe của hãng và mô hình còn lại do các công ty chuyên xây dựng trạm sạc để cung cấp dịch vụ sạc.
Ở Việt Nam, qua thu thập số liệu cho thấy số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đối với xe điện, trạm sạc điện vẫn còn hạn chế, thiếu các quy định quản lý nhà nước về yêu cầu kỹ thuật thiết kế, lắp đặt, vận hành và đo lường đối với trạm sạc điện.
Do đó, việc đề xuất bổ sung quản lý đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện là rất cần thiết, nhằm thống nhất chung các yêu cầu quản lý nhà nước về kỹ thuật đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện, phù hợp, hài hòa với quy định, yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong công tác quản lý trụ/thiết bị sạc điện, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Về quản lý đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện, theo thông tin tổng hợp từ Bộ Khoa học và Công nghệ, tháng 10-2022, tại cuộc họp lần thứ 57 của Ủy ban Đo lường pháp định quốc tế (CIML) - Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã thông báo về việc ban hành hướng dẫn OIML G22 “Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với trụ sạc điện cho xe điện” và đề nghị các nước thành viên trong đó có Việt Nam chủ động xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với thực tế và hài hoà với hướng dẫn OIML G22 để kiểm soát đo lường đối với phương tiện đo này khi có nhu cầu.
Trung Quốc có khoảng 3,9 triệu trạm sạc gồm khoảng 1,5 triệu trạm sạc công cộng và 2,4 triệu trạm sạc tư nhân, tính đến tháng 6-2022.
Mỹ mới đây đã công bố các tiêu chuẩn mới cho chương trình xây dựng mạng lưới quốc gia gồm khoảng 500.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030.
Châu Âu năm 2021 có khoảng 290.000 điểm sạc và mục tiêu đến năm 2025 là 1 triệu điểm sạc và đến năm 2030 là 3 triệu điểm sạc.
Hàn Quốc có khoảng 105.000 điểm sạc ô tô điện, trong đó trạm sạc chậm chiếm tới 86%, xu hướng lắp đặt trạm sạc mới cũng vẫn thiên về điểm sạc chậm do giá thành rẻ và ít tác động tiêu cực tới hạ tầng mạng điện.
Thái Lan đặt mục tiêu thiết lập từ 2.500 trạm sạc công cộng vào năm 2025 và tăng lên 12.000 trạm sạc vào năm 2030.
Nhà nước nên tính toán tối đa bao nhiêu trạm sạc nhanh thì ảnh hưởng tới an toàn của lưới điện VN. Hiện nay Vinfast có hệ thống trạm sạc nhanh, trong đó gồm trạm sạc thấp nhất là 60 kwh, nhanh nhất 300 kwh. Liệu lưới điện có an toàn không nếu quá nhiều trạm sạc nhanh cùng cấp điện cùng lúc. Thí dụ có 100.000 ô tô sạc nhanh cùng một thời điểm ở trạm sạc thấp nhất là 60 kwh, tính ra cần 6.000.000 kwh bằng công suất của ba nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (công suất 1.920.000 kwh)
Cần có tầm nhìn toàn diện ngay từ đầu về các trạm sạc xe điện. Trước hết, phải đáp ứng chuẩn bảo vệ sinh thái môi trường. Khuyến khích, kể cả có lộ trình sớm áp dụng quy định bắt buộc, tất cả các trạm sạc phải ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Nhà nước có cơ chế chính sách thuế phí ưu đãi rất hợp lý và rõ ràng nhằm đẩy nhanh tiến trình này. Thứ hai, về mặt kỹ thuật, chuẩn sạc phải thống nhất, tương thích với chuẩn quốc tế. Tránh tình trạng mỗi hãng, mỗi nơi một kiểu, vừa gây lãng phí, tác hại môi trường, vừa khó khăn cho người sử dụng. Thứ ba, quản lý theo mô hình tập trung, thống nhất. Tận dụng hợp lý các không gian công cộng, các cung đường giao thông vận tải, đường cao tốc… để bao phủ trạm sạc theo cự ly hợp lý, sớm hình thành quy hoạch chung trên phạm vi toàn quốc về hệ thống quản lý trạm sạc theo hướng tự động hóa. Không để mỗi nơi, mỗi ngành, tự tung tự tác, trăm hoa đua nở, phân tán, sẽ gây lãng phí, mất an ninh an toàn, gây hại đến môi trường chung.