(KTSG Online) - Để phát triển thị trường điện ở Việt Nam theo cơ chế thị trường thì EVN không thể đồng thời vừa là nhà sản xuất cung ứng điện, vừa là người điều độ vận hành hệ thống điện, vận hành thị trường điện.
- EVN không còn quản lý Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia
- Cần đảm bảo đủ vốn để trung tâm A0 vận hành sau khi tách khỏi EVN
Đó là ý kiến được đưa ra tại cuộc họp ngày 6-8 giữa Bộ Công Thương với các bên liên quan đến việc triển khai, quán triệt các nhiệm vụ liên quan đến việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), theo Chinhphu.vn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc tách A0 và thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với 100% vốn nhà nước để điều độ vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia là đòi hỏi khách quan, tất yếu và không phục vụ lợi ích của một cá nhân hay một tập thể nào.
“Ở đây không phải vì Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, càng không phải Bộ Công Thương mà là vì chúng ta phải xây dựng, hình thành, củng cố và phát triển thị trường điện ở Việt Nam theo cơ chế thị trường… Để làm được điều đó thì EVN không thể đồng thời vừa là nhà sản xuất cung ứng điện, vừa là người điều độ vận hành hệ thống điện, vận hành thị trường điện", Chinhphu.vn trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Đối với hoạt động của NSMO, Bộ Công Thương cho rằng, đơn vị này tuy độc lập với EVN nhưng đều là doanh nghiệp nhà nước, được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia dưới sự quản lý nhà nước, của Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy, hai bên cần có cơ chế phối hợp, vận hành chặt chẽ và nhuần nhuyễn. Hai bên sẽ xem xét phê chuẩn trước ngày 15-8.
Để NSMO hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong giai đoạn đầu Bộ Công Thương đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục bảo đảm các điều kiện để NSMO vận hành theo cơ chế cũ cho đến khi tổ chức mới có đầy đủ các điều kiện, các cơ chế pháp lý, hướng dẫn, quy định và điều kiện thực hiện.
Theo kế hoạch, trước ngày 31-8, Cục Điều tiết điện lực chủ trì phối hợp với NSMO và các cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế cần thiết để NSMO hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, Cục Điều tiết điện lực sẽ làm đầu mối lập Tổ công tác điều hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia, với sự tham gia của các đơn vị liên quan, vận hành cơ chế dân chủ hơn, cũng như giám sát hoạt động của NSMO trong điều hành hệ thống điện và thị trường điện.
EVN đưa ra các phương án cung cấp điện ổn định dịp cuối năm
EVN đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như nhà máy thủy điện Ialy, Hòa Bình mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch 1 và đường dây 500 kV mạch 3. Các công trình lưới điện đi kèm cũng được triển khai đồng bộ để tăng cường khả năng truyền tải, phân phối điện, TTXVN đưa tin.
Bên cạnh đó, dựa trên các yếu tố như khí tượng, thủy văn và nhu cầu tiêu thụ, EVN và NSMO sẽ điều chỉnh vận hành hệ thống điện, kịp thời cập nhật, điều chỉnh phương thức vận hành đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định.
Ngoài ra, tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị điện lực thường xuyên cập nhật tình hình địa phương để phân tích nhu cầu tiêu thụ, nâng cao chất lượng dự báo và tiếp tục thực hiện chỉ thị về tiết kiệm điện.
EVN kiến nghị các nhà máy thủy điện cần vận hành an toàn các hồ chứa trong mùa lũ, theo dõi, dự báo tình hình thủy văn để có phương án tích nước, phục vụ nhu cầu phát điện, đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm sau.
Theo thống kê, lũy kế 7 tháng năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 179,44 tỉ kWh, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 7, sản lượng tiêu thụ điện ngày lớn nhất đạt 964,3 triệu kWh và công suất cực đại đạt 46.298 MW