Bộ GTVT kiến nghị chỉ cho phép thành lập hãng hàng không mới từ 2020
Lan Nhi
(TBKTSG Online) – Bộ GTVT đã kiến nghị lên Chính phủ chỉ cho phép các hãng hàng không mới được thành lập dự kiến từ 2020 để tập trung phục hồi thị trường hàng không, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động.
![]() |
Với 214 tàu bay các loại, các hãng hàng không Việt đang thừa cung tải trong thời điểm dịch bệnh Ảnh: Bamboo Airways |
Thực ra trong thời gian gần đây, không có hãng hàng không mới nào nộp đơn xin thành lập, chỉ có đơn xin thành lập được nộp từ những năm trước, đang chờ phê duyệt.
Như vậy, ngoại trừ trường hợp của Vinpearl Air tự rút lui cuối năm 2019 và Vietravel Airlines đã được Chính phủ đồng ý cho chủ trương thành lập hồi cuối tháng 3 vừa qua, nay chỉ còn Công ty cổ phần đầu tư Thiên Minh, chủ sở hữu hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air).
Kite Air cũng được Bộ KH-ĐT thẩm định vòng cuối hồi tháng 3 vừa qua và đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư do đáp ứng đủ và vượt các yêu cầu của ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hàng không.
Tuy nhiên, sau đó Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại việc thành lập các hãng hàng không mới trong tình hình hiện nay, nhất là sau khi xảy ra dịch bệnh, để đảm bảo khả năng quản lý nhà nước về thị trường hàng không.
Tổng thị trường vận chuyển có thể giảm đến 46%
Báo cáo hôm 14-5 của Bộ GTVT gửi lên Chính phủ cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, thị trường hàng không thế giới và Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, không thể có tăng trưởng cao như những năm trước.
Thậm chí, bộ này còn dẫn thông tin ngày 21-4 của Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa đến việc làm của 25 triệu người lao động toàn cầu trong lĩnh vực hàng không. Tất cả các quốc gia đều phải tìm cách tháo gỡ cho ngành hàng không.
Tại Việt Nam, theo ước tính tổng thị trường vận chuyển năm 2020 này chỉ đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm ngoái 2019 và bằng 50% so với dự báo lạc quan nhất được đưa ra cách đây hơn một năm. Theo đó, đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với mức dự báo đã được báo cáo.
Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 74% so với dự báo đã báo cáo. Như vậy, nếu mọi việc được suôn sẻ, thị trường vận tải hàng không Việt Nam sau hai năm nữa mới về con số bằng mức năm 2019.
Mặt khác, đội tàu bay của các hãng Việt Nam là 214 chiếc nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.
Trước mắt tập trung phục hồi thị trường
Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng trước mắt cần tập trung phục hồi thị trường hàng không trong nước và quốc tế, tập trung tháo gỡ cho các hãng hàng không hiện có. “Việc thành lập các hãng hàng không mới chỉ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến sau 2022”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn viết trong văn bản gửi Chính phủ.
Kiến nghị này – nếu được Chính phủ đồng ý – cũng đồng nghĩa với việc Kite Air sẽ phải chờ ít nhất đến 2022 mới có thể biết có cất cánh được hay không, còn Vietravel Airlines vẫn được cho là sẽ thâm nhập thị trường một cách khó khăn.
Trong một diễn biến khác, dù đã gửi nhiều bản kiến nghị nhưng các hãng hàng không Việt Nam chưa nhận được các chính sách hỗ trợ chính thức từ Chính phủ để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.