Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ GTVT và VNR vẫn bất đồng ý kiến về quỹ bảo trì đường sắt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ GTVT và VNR vẫn bất đồng ý kiến về quỹ bảo trì đường sắt

Lan Nhi

(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chuyển lên Chính phủ xem xét các tồn tại, khó khăn, vướng mắc về việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giao vốn, đặt hàng bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt Việt Nam năm 2021 và các năm tiếp theo, sau khi Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) và Bộ GTVT chưa thống nhất được việc này.

Bộ GTVT và VNR vẫn bất đồng ý kiến về quỹ bảo trì đường sắt
Câu chuyện ai có quyền quản lý quỹ bảo trì đường sắt năm 2021 trị giá 2.800 tỉ đồng vẫn đang gây tranh cãi kéo dài. Ảnh:TL

Từ năm 2019 trở về trước, Bộ GTVT là đơn vị quản lý trực tiếp VNR, doanh nghiệp được nhà nước giao dự toán hằng năm khoảng 2.800 tỉ đến 3.000 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt. Doanh nghiệp này lại đặt hàng 20 công ty con là các công ty cổ phần thực hiện nhiệm vụ cho đến hết năm 2019.

Sang đầu năm 2020, Bộ GTVT không thể giao dự toán cho tổng công ty được nữa vì vướng Điều 49 của Luật ngân sách nhà nước quy định Bộ GTVT chỉ được giao dự toán và đặt hàng các doanh nghiệp thuộc bộ. Trong khi đó, VNR không còn doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT nữa.

Đến đầu năm 2020, do không giải ngân được số tiền này, VNR đã lên tiếng kêu cứu và đến tháng 4-2020, để giải quyết những khó khăn trong quá trình chuyển tiếp giữa các cơ quan quản lý và quy định của luật, Thủ tướng đã ra Nghị quyết đồng ý giao vốn bảo trì 2.800 tỉ đồng của năm 2020 cho VNR thực hiện như những năm trước.

Song, từ năm 2021 trở đi thì Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ GTVT soạn thảo, trong đó có phần liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính là “Giao dự toán bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” thì Bộ hai Tài chính và Bộ GTVT đưa ra quan điểm: Việc bảo trì phải thực hiện theo Luật ngân sách, nghĩa là giao dự toán 2.800 tỉ nói trên cho VNR là không phù hợp với quy định.

Theo hai bộ này, số tiền bảo trì đường sắt được đề xuất giao cho Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) quản lý, sử dụng nhằm đảm bảo đúng quy định. Hay nói cách khác là Cục ĐSVN (trực thuộc Bộ GTVT) sẽ giao 2.800 tỉ đồng đặt hàng 20 công ty cổ phần của ngành đường sắt duy tu, bảo dưỡng hạ tầng.

Tiếp theo, trong văn bản mới nhất hôm 22-4 gửi Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Nghị định số 46/2018 của Chính phủ chủ yếu quy định nội dung quản lý tài sản của cơ quan quản lý nhà nước (Cục Đường sắt Việt Nam) được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Do đó, quy định chỉ giao cho doanh nghiệp theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước trong thời gian nhất định”.

Hay nói khác đi là Bộ GTVT, đề xuất giao tài sản hạ tầng cho VNR quản lý trong thời gian 5 năm (2021-2025) là phù hợp, sau đó giao lại cho Cục đường sắt quản lý. Tương tự như trường hợp giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý hạ tầng hàng không trong 5 năm. Bên cạnh đó, Bộ GTVT không chấp thuận việc giao dự toán 2.800 tỉ đồng tiền duy tu bảo trì năm 2021 cho VNR như đề xuất vì không phù hợp với Luật ngân sách.

Ở chiều ngược lại, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết: “VNR được giao đảm bảo an toàn chạy tàu thông suốt, đảm bảo vận tải thông suốt nhưng không được giao kinh phí bảo trì thì khác gì người khác giao cho bạn kinh phí xây nhà, còn chuyện nhà có an toàn hay không thì người giao không chắc. Nếu Cục đường sắt giao kinh phí thì mỗi lần có vấn đề gì cần sửa chữa hạ tầng phát sinh, chúng tôi lại phải đợi lập dự toán, đợi duyệt mới được sửa. Trong khi an toàn chạy tàu lại không đợi được”.

Ông Minh cho rằng, việc giao cho Cục đường sắt quản lý đẩy VNR vào tình trạng “gọt chân cho vừa giày” nên VNR không thể chấp nhận được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới