(KTSG Online) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lựa chọn phương án điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành nhưng sửa đổi công thức giá cơ sở đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp.
- Chưa ngã ngũ việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
- Kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu đúng chu kỳ, bất kể ngày nghỉ
Theo TTXVN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở dẫn đến việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu trong thời gian qua có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu trên thị trường có một số bất ổn cục bộ.
Phúc đáp công văn của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giá xăng dầu đang được điều hành theo giá cơ sở.
Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan nhà nước xác định giá điều hành (giá cơ sở trừ đi mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá) đồng thời là căn cứ quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, riêng với dầu mazut là giá bán buôn.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lựa chọn phương án tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành nhưng sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có sở điều chỉnh kịp thời.
Điều này góp phần đảm bảo phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho ý kiến về việc đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ một nguồn có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc đảm bảo có đủ hàng để bán trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua.
Cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc... của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Chả có cơ quan quản lý nào lại dư thời gian, ôm đồm và tính toán sự biến thiên hàng ngày của giá cả thị trường. Nếu thực sự tôn trọng thị trường, hãy thị trường/ doanh nghiệp tự định đoạt giá cả phù hợp. Nhà quản lý chỉ nên làm đúng vai đối với những gì liên quan đến chính sách tổng thể, đảm bảo quyền và lợi ích của người kinh doanh và người tiêu dùng, ví dụ thuế/ phí/ tiêu chí cạnh tranh/ an toàn/ chất lượng sản phẩm dịch vụ… Mạnh dạn từ bỏ một cung cách quản lý cũ, kém hiệu quả, xem ra không khó lắm. Khó nhất là ai sẽ chịu trách nhiệm ban hành quyết định này ?