(KTSG Online) - Sáng 30-11, tại hội nghị đô thị toàn quốc, phổ biến về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm các nước về mô hình tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị phù hợp với đặc thù Việt Nam.
- Thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM
- Đà Nẵng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị
Tham luận của Bộ Nội vụ tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị. Hiện chỉ có 3 thành phố tổ chức mô hình này là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, còn lại đều là cấp chính quyền địa phương với HĐND và UBND. Như vậy là chưa có sự phân biệt giữa nông thôn và đô thị.
Cơ chế vận hành bộ máy hành chính đô thị còn bị rời rạc, chồng chéo theo từng cấp trong nội bộ; điều hành hành chính vẫn mang tính tập thể của ủy ban; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là chủ tịch UBND chưa rõ ràng. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.
Do đó, Bộ Nội vụ đề xuất đổi mới tổ chức đơn vị hành chính đô thị theo hướng phân định, thành lập, điều chỉnh và sắp xếp cho phù hợp với đặc điểm vùng miền và quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mở rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường (khu vực nội thành, nội thị) như đang thực hiện ở TPHCM và thành phố Đà Nẵng.
Từ năm 2013, khi xây dựng đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Bộ Nội vụ đã đề xuất có tòa thị chính, thị trưởng, quận trưởng, huyện trưởng, trưởng phường, trưởng thị trấn; đồng thời thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở thành phố trực thuộc trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là tòa thị chính, đứng đầu là thị trưởng.
Theo Bộ Nội vụ, cách quản lý nhà nước ở đô thị cần chuyển đổi sang quản trị, hướng đến sự tham gia và mở rộng đối thoại với người dân. Đây là cơ sở để người dân cùng xây dựng chính quyền đô thị phản ứng nhanh nhạy, hoạt động tốt hơn nhưng với chi phí ít hơn, chịu trách nhiệm giải trình trước dân đầy đủ, hiệu quả hơn.
Cụ thể, đơn vị hành chính cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND) sẽ phải hoàn thiện nguyên tắc hoạt động, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu và từng thành viên UBND; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình giám sát của HĐND. Đơn vị hành chính không tổ chức HĐND thì phải quy rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chủ tịch UBND.
Phân quyền giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương phải đẩy mạnh theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đảm bảo chính quyền đô thị tự chủ về ngân sách, tổ chức bộ máy, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường...
Việt Nam phấn đấu xây dựng 5 đô thị tầm cỡ quốc tế, là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và thế giới. Số đô thị trên toàn quốc đạt 950-1.000 năm 2025 và 1.000-1.200 năm 2030; kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% năm 2025 và 85% năm 2030. Vì vậy theo đại diện Bộ Nội vụ, việc nghiên cứu, áp dụng thí điểm mô hình tòa thị chính, thị trưởng là cần thiết.
Theo Cổng thông tin Bộ Nội vụ và TTXVN