Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bỏ quên con người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bỏ quên con người

Thành Tâm

Bỏ quên con người
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Bốn trăm mười tỉ đồng. Lớn nhất Việt Nam. Hơn thế, còn lớn nhất Đông Nam Á. Sự tôn vinh Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được đo như thế, bằng con số kinh phí và kích cỡ tượng đài mà UBND tỉnh Quảng Nam đã cho xây dựng.

Chạy theo sự hoành tráng, theo kỷ lục, theo thành tích, có bao giờ người ta tự hỏi, với số tiền 410 tỉ đồng (từ ngân sách trung ương và địa phương), người ta có thể làm gì để 40.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước được sống cuộc sống xứng đáng hơn, được chăm sóc chu đáo hơn, nhà cửa tươm tất hơn, và con cháu, người thân còn lại của các mẹ được học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm tử tế, có tương lai vững chắc.

Có sự đền ơn nào hơn sự đền ơn ấy? Có sự an ủi nào hơn sự an ủi ấy? Có sự tôn vinh nào hơn sự tôn vinh ấy? Nhưng, mải chạy theo sự hoành tráng, người ta đã quên mất con người. Mải chạy theo xây dựng tượng đài bằng đá để đua tranh về chiều cao và chiều dài với tượng đài ở đâu đó, người ta đã quên những “tượng đài sống” bằng xương bằng thịt.

Có lẽ không ở đâu như đất nước ta, một đất nước triền miên kháng chiến, có những bà mẹ tình nguyện dâng hiến hết đứa con này đến đứa con khác cho Tổ quốc, cho kháng chiến. Một hiện tượng có lẽ là độc nhất vô nhị. Nhiều nhà kiến trúc, nhà mỹ thuật – bằng con mắt chuyên môn – đã phát biểu ý kiến của họ về tượng đài, nhấn mạnh đến tâm thức của người Việt, đến tinh thần lẽ ra cần toát ra từ tượng đài một người mẹ: gần gũi, thân thuộc thay vì hoành tráng mà nặng nề, khô cứng. Có lẽ điều đó cũng phù hợp với tính cách những người mẹ Việt Nam, ngay cả những người mẹ anh hùng: vĩ đại và cao cả, nhưng cũng rất thầm lặng, không chút phô trương. Thế thì tiêu chí lớn nhất Việt Nam hay lớn nhất Đông Nam Á, được nêu lên như một giá trị của tượng đài, phỏng có ý nghĩa gì?

Nhưng đâu phải chỉ có tượng đài này, đâu phải chỉ có những công trình mỹ thuật chạy theo quy mô và sự hoành tráng mà bỏ quên con người. Nhiều đại quy hoạch, đại dự án, đại công trình khác cũng đã được xúc tiến nhân danh sự phát triển, nhân danh tăng trưởng kinh tế, nhân danh sự đi tắt đón đầu và cả đời sống người dân mà bỏ qua hoặc xem nhẹ việc xem xét thấu đáo đến chất lượng của công trình, dự án, quy hoạch và tác động nhiều mặt của chúng đến cuộc sống người dân, những người dân đang sống sờ sờ với những gương mặt, những số phận, những mơ ước nhỏ nhoi cụ thể chứ không phải người dân như một khái niệm chung chung, trừu tượng, mơ hồ. Thay vì là người thụ hưởng đích thực của những quy hoạch, dự án, công trình ấy, họ lại trở thành những kẻ chịu đựng khốn khổ của những ước mơ hoành tráng trong đó họ chẳng có vai trò gì, chẳng có tiếng nói gì.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng không phải là công trình duy nhất muốn đạt cho được tiêu chí hoành tráng (và tất nhiên, đi kèm là kinh phí xây dựng lớn từ ngân sách). Liệu có nguyên nhân nào đằng sau tâm lý thích hoành tráng này? Phải chăng đó là tâm lý tự ti, thấy người khác có cái gì đó to hơn mình, cao hơn mình thì cũng muốn mình phải có cái gì đó to hơn, cao hơn mà không xét đến khả năng của mình? Phải chăng đó là tâm lý bắt chước máy móc mà không xét đến điều kiện cụ thể của mình? Và biết đâu cũng có thể do bệnh thành tích của không ít quan chức các cấp?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới