(KTSG) - Chỉ còn hơn hai tháng nữa, sổ hộ khẩu giấy sẽ không còn được sử dụng theo quy định của Luật Cư trú 2020. Lẽ ra các bước chuẩn bị cho việc bỏ hộ khẩu giấy phải được triển khai trước một bước thì trong thực tế, nhiều thủ tục hành chính lại đang lẽo đẽo đi phía sau trong quá trình số hóa này khiến người dân gặp không ít phiền toái trong giai đoạn chuyển tiếp.
Từ tháng 7-2021, ngành công an đã thay đổi phương thức quản lý cư trú từ thủ công sang công nghệ thông tin, bỏ dần sổ hộ khẩu giấy và thay bằng hộ khẩu điện tử. Toàn bộ thông tin cá nhân của công dân được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là hợp với xu thế số hóa hành chính, tiến tới chính quyền điện tử. Tuy nhiên, việc thiếu phương án, lộ trình thích hợp và đồng bộ trong việc bỏ sổ hộ khẩu giấy đã dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu gây không ít phiền toái cho người dân.
Dù đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an khẳng định trên báo chí, khi công dân xuất trình căn cước công dân mới có gắn chip (CCCD) thì không được yêu cầu xuất trình bất cứ giấy tờ nào khác để chứng minh nhân thân, nhưng hiện tại vẫn còn tình trạng người dân được yêu cầu phải có sổ hộ khẩu giấy khi làm một số thủ tục hành chính.
Phổ biến nhất hiện nay là các thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và địa chính đều phải cung cấp sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú trong quá trình thực hiện.
Nguyên nhân chính khiến các cơ quan hành chính nhà nước vẫn đòi sổ hộ khẩu giấy là do hầu hết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành đều quy định như vậy. Trong báo cáo gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mới đây, UBND TPHCM cho biết, kết quả rà soát cho thấy yêu cầu sổ hộ khẩu giấy là điều kiện cần được nêu trong 12 văn bản quy phạm pháp luật. UBND TPHCM đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 văn bản, gồm Thông tư 08/2017 và Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp; Thông tư 24/2014, Thông tư 33/2017 và Thông tư 09/2019 của Bộ TN-MT. Tuy nhiên, cho đến nay các văn bản nêu trên vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung.
Ngoài việc chậm sửa quy định, theo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư còn có tình trạng các bộ, ngành chưa kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn áp dụng quy trình như cũ, đòi hỏi người dân phải cung cấp hộ khẩu hoặc giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú.
Rõ ràng việc chưa đồng bộ dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư, hộ tịch giữa các bộ, ngành, địa phương đã gây ra rất nhiều phiền toái cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính.
Giải pháp trước mắt có thể làm sớm là đảo ngược quy trình kiểm tra: thay vì buộc người dân phải chứng minh nhân thân bằng các loại giấy tờ thì cơ quan nhà nước phải làm điều đó bằng cách truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các công chức tư pháp - hộ tịch tại TPHCM cho biết, nếu được cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, họ sẽ không cần yêu cầu sổ hộ khẩu. Việc truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cho phép họ thực hiện công việc thuận lợi vì có thể xác định được nơi cư trú của người dân và kiểm tra được các thông tin cá nhân như năm sinh, mã số định danh, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, cha mẹ(*).
Quyền truy cập này đã được quy định trong các văn bản luật nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai. Tại khoản c, điều 8 của Thông tư 59/2021/TT-BCA có quy định “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao”.
Tính đến tháng 8 năm nay, công an toàn quốc đã cấp được gần 68 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân, đồng thời đưa hệ thống định danh điện tử đi vào hoạt động. Con số này cho thấy người dân đã rất hợp tác và ủng hộ chủ trương chuyển đổi số của nhà nước thông qua việc làm CCCD.
Chuyển đổi số, bỏ sổ hộ khẩu giấy mà cơ sở dữ liệu chưa liên thông, chưa có các quy định đồng bộ trước khi thực hiện thì người dân vẫn bị làm khó. Đây là lúc các bộ, ngành phải xử lý dứt điểm vấn đề bằng cách ngồi lại để tháo gỡ những vướng mắc này, nhất là khi mốc thời gian khai tử sổ hộ khẩu giấy đã kề sát bên. Không thể vì cơ quan nhà nước hay chính quyền địa phương không kịp chuyển mình trong công tác quản lý số hóa mà để người dân bị làm khó như vậy được.
(*) https://thanhnien.vn/nhieu-thu-tuc-van-doi-so-ho-khau-post1506838.html