(KTSG Online) - Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó có nhiều nội dung mới như việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương; trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng…
- Khoảng trống trong ‘tấm khiên’ bảo vệ người tiêu dùng tài chính
- Quy định cụ thể vai trò tổ chức xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng
- Hoàn thiện luật để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng
Theo Quochoi.vn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các nội dung cơ bản được nhất trí.
Tuy nhiên một số vấn đề cần làm rõ, như việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định tại khoản 10 điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo luật đã bổ sung điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
Về trách nhiệm của người tiêu dùng (điều 5), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Vì thế, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương (điều 8), dự thảo luật bổ sung nội dung mới trong điểm g bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người nghèo (“thành viên của hộ nghèo”) tại khoản 1.
Theo TTXVN, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; dự thảo luật đã chỉnh lý, bổ sung điều 35 về trách nhiệm đối với dịch vụ cung cấp không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết; trong đó, khoản 4 quy định về yêu cầu bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cũng cho biết, dự thảo luật đã bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (khoản 2 điều 39); trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian (khoản 3 điều 39); xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số (khoản 1 điều 39); thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số (điểm n khoản 3 điều 39)…
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy định về việc xây dựng cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan như trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ (khoản 7 điều 74); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (điều 76)…