(KTSG Online) - Theo quy định mới, việc tạm sử dụng rừng để thi công dự án lưới điện quốc gia cần đảm bảo một số điều kiện gồm được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; chỉ cho phép trong trường hợp dự án bắt buộc phải sử dụng trên diện tích có rừng...
- Bình Phước xin chuyển mục đích sử dụng 46 ha rừng để làm đường cao tốc
- Trồng rừng và nuôi nguồn sinh dưỡng
Chính phủ vừa ban hành nghị định số 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 156 về quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong đó có bổ sung quy định về tạm sử dụng rừng để thi công dự án lưới điện.
Cụ thể, điều kiện để phê duyệt phương án tạm sử dụng rừng gồm lưới điện để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia cần được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.
Nếu dự án có cả chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng, thì cần có quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác (đối với phần diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng). Trường hợp dự án chỉ có tạm sử dụng rừng thì phải có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt đầu tư.
Theo nghị định, việc tạm sử dụng rừng chỉ cho phép trong trường hợp dự án bắt buộc phải sử dụng trên diện tích có rừng, hạn chế tối đa diện tích tạm sử dụng rừng và chặt hạ cây rừng trong phạm vi diện tích được tạm sử dụng. Trong đó, đơn vị không chặt hạ cây rừng có đường kính từ 20 cm trở lên ở vị trí tính từ mặt đất đến vị trí 1,3 m của thân cây.
Diện tích tạm sử dụng phải được điều tra, đánh giá về hiện trạng, trữ lượng, tác động của việc tạm sử dụng rừng đối với hệ sinh thái rừng. Nội dung tác động vào rừng, trồng lại rừng, phục hồi rừng phải được thể hiện đầy đủ, chi tiết trong phương án tạm sử dụng rừng. Việc trồng lại rừng được thực hiện trong mùa vụ trồng rừng gần nhất tại địa phương nhưng không quá 12 tháng tính từ thời gian tạm sử dụng rừng kết thúc.
Một số quy định khác như không tạm sử dụng rừng trong khu bảo vệ của rừng đặc dụng, phạm vi diện tích rừng có các loài thực vật quý hiếm; không lợi dụng việc tạm sử dụng rừng để chặt, phá rừng, săn bắt động vật rừng, khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái quy định…