Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ Tài chính đưa một số công ty đường sắt vào diện giám sát tài chính đặc biệt

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khi xem xét đến tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR), Bộ Tài chính đưa ra nhiều nhận xét và kiến nghị, trong đó có nhận định CTCP vận tải đường sắt Sài Gòn, CTCP xe lửa Gia Lâm… hiện có tình tình tài chính rất khó khăn, mất vốn, thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt.

CTCP vận tải đường sắt Hà Nội và CTCP vận tải đường sắt Sài Gòn là hai công ty con thuộc khối vận tải đường sắt thuộc VNR hiện đang có kế hoạch sát nhập trở lại sau nhiều năm tách ra hoạt động riêng, hạch toán độc lập về tài chính.

Kinh doanh trên nền hạ tầng lạc hậu, cũ kĩ và bị các phương tiện vận tải khác cạnh tranh dữ dội, vận tải đường sắt ngày càng thua lỗ Ảnh: CTCP vận tải đường sắt Sài Gòn

Theo Bộ Tài chính, do hạ tầng đường sắt lạc hậu, khai thác hạ tầng đường sắt chưa tốt nên khả năng cạnh tranh của ngành đường sắt nói chung kém so với các loại hình vận tải khác.  Mặc dù doanh thu vận tải đường sắt năm 2022 đã có sự phục hồi, tăng 60% so với năm 2021 (3868 tỉ đồng/244 tỉ đồng), lãi 6,2 tỉ đồng so với số lỗ 261 tỉ đồng của năm 2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên hai công ty đều có số lỗ lớn, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

CTCP vận tải đường sắt Hà Nội có vốn điều lệ 801 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 421 tỉ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn phải trả là 0,84  lần và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,29 lần.

CTCP vận tải đường sắt Sài Gòn có vốn điều lệ là 503 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 113 tỉ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp (0,39 lần) và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 9,98 lần, nghĩa là một đồng vốn cõng gần 10 đồng nợ nên tình hình tài chính rất khó khăn, mất vốn. Bộ Tài chính nhận định “thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt”

Các doanh nghiệp khác thuộc khối sản xuất công nghiệp cơ khí đường sắt như CTCP xe lửa Gia Lâm cũng thuộc diện thua lỗ và cần giám sát tài chính đặc biệt nhưu CTCP vận tải đường sắt Sài Gòn do  vốn chủ sở hữu nay chỉ còn 2,6 tỉ và hệ số nợ trên vốn chủ là 16,54 lần.

Cũng theo Báo cáo tài chính hợp nhất của NVR, năm 2022, sau Covid-19 thì tổng doanh thu của VNR là 8.166 tỉ đồng, đã tăng 21% so với năm 2021 là năm mà ngành vận tải tê liệt nên công ty đã giảm được lỗ 428 tỉ đồng, cán đích ở mức lỗ 90 tỉ đồng. Riêng công ty mẹ tiếp tục lỗ 152 tỉ đồng.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương gửi báo cáo giám sát tài chính năm 2022 đối với VNR để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động đối với VNR.

1 BÌNH LUẬN

  1. Rõ khổ. Giám sát đặc biệt gì nữa. Tái cơ cấu khẩn cấp thôi. Đây là ngành, không rõ vì lý do gì, chậm cải tố thuộc diện hàng đầu đất nước ? Không phải không có cơ hội phát triển. Chỉ vì không có ai dám đứng ra đương đầu với thử thách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới