Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh tăng cường quản lý đấu giá đất

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tăng cường công tác quản lý đất đai, trong đó nhấn mạnh đến hoạt động đấu giá đất “vàng”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tập trung chấn chỉnh việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: H.Thắng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thời gian qua việc giao đất và cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại một số nơi còn nhiều hạn chế. Việc này ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất ở.

Có những trường hợp chậm, không đưa đất vào sử dụng nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi tại một số địa phương đang có dấu hiệu quá tải trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tập trung chấn chỉnh việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất. Nhất là những khu đất “vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo tổ chức lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất chi tiết, để tổ chức theo dõi, kiểm tra.

Trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất, các địa phương cần phải lưu ý điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; xác định giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc trong các cuộc đấu giá.

Các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để thu nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất; tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo quy định.

Trong một diễn biến khác, tại tọa đàm “Sự trỗi dậy của bất động sản Thanh Hóa” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng chính quyền Thanh Hóa cần chú ý quản lý thị trường, đất đai. Các dự án sau đấu giá cần yêu cầu nhà đầu tư triển khai để tạo sản phẩm cho thị trường, không om đất.

Còn ông Nguyễn Văn Ngọc, tổng giám đốc RB Land, nhà sáng lập quỹ đầu tư RB Investment  cũng cho rằng, hạ tầng của các dự án đấu giá của Thanh Hóa làm kém – nhiều chỗ là ao hồ đã đấu giá – đấu giá xong không san lấp.

Còn Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có công văn gửi Ban Bí thư nhân hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, được tổ chức từ ngày 4 đến 10-5, để kiến nghị về bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai.

Tại văn bản trên, HoREA cho rằng một số bất cập của cơ chế chính sách dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ví dụ, có những “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm thành phố bị sử dụng lãng phí, điển hình là khu đất có diện tích vài ngàn mét vuông tại đường Nguyễn Huệ, quận 1 bị “quây tôn” bỏ không đã hơn 10 năm qua – không đưa vào đầu tư xây dựng kinh doanh, không trở thành cơ sở thương mại, dịch vụ, không tạo ra công ăn việc làm, không đóng góp cho GRDP thành phố thì “giá trị sử dụng” của “khu đất vàng” này cũng bằng không. Hoặc có những doanh nghiệp “thân hữu” xí phần các dự án có quy mô diện tích lớn nhưng không đưa đất vào sử dụng, không triển khai thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân, thậm chí có cả dấu hiệu “đầu cơ” dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai.

Theo HoREA, có những “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm thành phố, thậm chí có quy mô diện tích lên đến vài chục héc ta được chỉ định chủ đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân thì “chênh lệch địa tô” chủ yếu rơi vào “túi tư nhân”. Điều này không được huy động đầy đủ vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng và cũng không thấy dành 20% quỹ đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.

HoREA nêu hiện tượng nhiều nhà đất công sản được Nhà nước giao cho các tổ chức công lập, hội đoàn, đơn vị sự nghiệp sử dụng làm trụ sở theo chế độ cho thuê đất 50 năm. Sau đó đơn vị thuê đất hợp tác với doanh nghiệp phát triển dự án (thực chất doanh nghiệp này mới chính là chủ đầu tư) thì phần lớn lợi nhuận thu bị rơi vào túi tư nhân, mà ngân sách nhà nước thì không thu được tương xứng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới