Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hơn 18.000 đơn khiếu nại trong 5 năm

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong vòng 5 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận 18.202 lượt đơn, tương ứng với 9.159 vụ khiếu nại, tố cáo. Trong đó đa số vụ việc khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết vào ngày 1-4 tại buổi tiếp đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ này về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021".

Phần lớn các vụ khiếu nại liên quan đến đất đai. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai tập trung vào một số nội dung chủ yếu gồm khiếu nại liên quan đến việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giá bồi thường, hỗ trợ; việc thu hồi đất và trình tự, thủ tục thu hồi đất; tranh chấp đất đai và đòi lại đất cũ…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Chánh Thanh tra Bộ tổ chức đối thoại với tất cả các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng. Đối với vụ việc phức tạp, Chánh Thanh tra sẽ báo cáo Bộ trưởng để tổ chức đối thoại theo quy định.

Đánh giá bước đầu đối với Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung giám sát, đại diện tổ công tác của đoàn giám sát cho biết, báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong 5 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung trong báo cáo còn chung chung, chưa cụ thể, chưa phân tích, đánh giá đầy đủ.

Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề chưa được thể hiện trong báo cáo gửi đoàn giám sát. Cụ thể, về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần bổ sung đánh giá việc ban hành quy trình tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với công dân.

Đối với việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai theo thẩm quyền, cần đánh giá bổ sung về các vụ việc tồn đọng, chưa giải quyết và gửi kèm phụ lục tóm tắt sơ lược nội dung các vụ việc này; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo vượt cấp, nguyên nhân và đề xuất giải pháp trong thời gian tới; việc thực hiện rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20-3-2019 của Thanh tra Chính phủ…

Một số ý kiến cho rằng, các giải pháp nêu trong báo cáo còn chung chung và đề nghị Bộ kiến nghị giải pháp cụ thể hơn nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Nhất là những trường hợp người dân tiếp tục khiếu nại về tranh chấp đất đai do không mặn mà với việc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra tòa án. Một số ý kiến cũng đề nghị, Bộ cần đánh giá thêm trường hợp công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tập trung đông người gây mất trật tự, an ninh, thậm chí để vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác…

Các đại biểu đề nghị bộ chỉ rõ nguyên nhân các vụ việc khiếu nại còn tồn đọng, chưa giải quyết, do vướng mắc pháp luật hay do công tác thực thi. Đối với tranh chấp đất đai, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền trách nhiệm giải quyết của bộ còn tồn đọng là 38/268 (chiếm 14% số vụ việc phải giải quyết).

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết giám sát chuyên đề này là nội dung quan trọng. Do đó Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung làm rõ một số nội dung trong báo cáo gửi Đoàn giám sát: kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục bóc tách số liệu, đánh giá toàn diện quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục làm rõ hơn các vụ việc tồn đọng và dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai trong thời gian tới; nêu giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong giải quyết khiếu nại, tố cáo…

1 BÌNH LUẬN

  1. Vấn đề nằm ở chỗ có bao nhiêu đơn thư khiếu nại đất đai được giải quyết thấu đáo. Con số này không thấy công bố, và chắc cũng rất khó công bố, vì thường có tình trạng “chuyển đơn” từ trên xuống dưới, hoặc “vòng đơn” từ nơi này sang nơi khác, không rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính. Nguyên tắc xử lý đơn thư khiếu nại đất đai, trước hết và sau cùng là phải chính quyền sở tại. Nếu không dàn xếp được thì phải ra tòa án phân xử. Cấp bộ ngành chỉ làm công tác hoạch định chính sách, pháp luật, kiểm tra sự tuân thủ. Tuy nhiên nếu tình trạng khiếu kiện tràn lan, bùng phát từ năm này sang năm khác, thì rõ ràng trách nhiệm chính phải là cấp Trung ương, chứ không phải là địa phương nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới