(KTSG Online) - Chiều 20-11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, đến năm 2027, Việt Nam đã sẵn sàng để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao.
- Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam
- Vốn cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam có thể đến từ đâu?
Làm rõ, giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết dự án đã trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá tỉ mỉ trong suốt 18 năm, baochinhphu.vn đưa tin.
Chính phủ đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng hồ sơ, tham khảo kinh nghiệm của các nước đi đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc để đảm bảo dự án được triển khai một cách an toàn, hiệu quả và bền vững.
Theo Bộ trưởng, việc lựa chọn năm 2027 để triển khai dự án là dựa trên dự báo nhu cầu vận tải tăng cao và tiềm lực của quốc gia, đồng thời nhận được sự thống nhất cao từ Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Báo cáo nghiên cứu đã khẳng định tính khả thi của dự án, đồng thời nhận được sự đồng thuận cao từ các địa phương liên quan. Phương án tuyến đường và vị trí các ga cũng đã được tích hợp vào quy hoạch của Hà Nội và TPHCM.
Về việc không kéo dài đường sắt tốc độ cao tới Lạng Sơn và Cần Thơ, lãnh đạo ngành GTVT đã giải thích, việc không kéo dài đường sắt cao tốc đến hai địa phương này là do nhu cầu vận tải hàng hóa trên hai tuyến này rất lớn. Vì vậy, hai dự án độc lập sẽ được triển khai để đáp ứng cả nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, với các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đường sắt tốc độ cao sẽ tập trung vào vận chuyển hành khách còn đường thủy nội địa và ven bờ với ưu điểm về chi phí và môi trường, sẽ là phương thức vận chuyển hàng hóa chính. Việc phân chia rõ ràng công năng của từng loại hình vận tải sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và khai thác.
Để tận dụng tối đa lợi thế của mỗi loại hình vận tải, đường sắt tốc độ cao sẽ ưu tiên vận chuyển hành khách và phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng. Trong khi đó, đường bộ sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là cho các quãng đường ngắn và trung bình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, quyết định vay ODA hay vay trong nước sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố như lãi suất, điều kiện vay và hiệu quả sử dụng vốn.
"Nếu vay ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc điều kiện thì đó là một điều rất tốt còn nếu có ràng buộc điều kiện thì chúng tôi ưu tiên vay trong nước", ông Thắng nói.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, khoảng 24% tổng vốn đầu tư cho dự án sẽ đến từ tín dụng xuất khẩu, chủ yếu dùng để mua sắm các thiết bị hiện đại như đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các dự án lớn như đường sắt cao tốc, Việt Nam cần phải có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý dự án và giám sát.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một dự án có quy mô và phức tạp như vậy, do đó cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình.