Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ trưởng QP Mỹ: “TPP quan trọng như tàu sân bay”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ trưởng QP Mỹ: “TPP quan trọng như tàu sân bay”

Thái Bình

Bộ trưởng QP Mỹ: “TPP quan trọng như tàu sân bay”
Hiệp định TPP luôn vấp phải sự phản đối của các công đoàn Mỹ vì lo ngại việc làm ở Mỹ sẽ chạy hết ra nước ngoài. Ảnh LA Times

(TBKTSG Online) – Thời báo Nhật Bản (The Japan Times) số ra hôm nay dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố như trên nhằm ủng hộ việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thúc đẩy Quốc hội Mỹ sớm trao toàn quyền đàm phán cho chính phủ Mỹ.

Theo Japan Times, trong cuộc nói chuyện với giảng viên và sinh viên trường Đại học bang Arizona ở Tempe trước khi lên đường đi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Carter nhận định “Thời gian đang cạn dần” và cảnh báo, không hoàn thành được TPP sẽ “gây rủi ro cho các doanh nghiệp Mỹ muốn  tiếp cận các thị trường đang phát triển, rủi ro cho sự ổn định của khu vực”. Và theo ý nghĩa đó, “Đối với tôi, ký kết TPP cũng quan trọng như đóng một tàu sân bay mới”, Bộ trưởng Carter nói.

Ông Carter cho rằng, trong các thập niên qua, chính sách của Mỹ đã tạo điều kiện để châu Á chuyển từ nghèo khó sang thịnh vượng trong một môi trường an ninh hòa bình. “Chúng ta đã giúp tạo ra sự ổn định để các nước, các dân tộc và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc”, ông Carter nói. Ngày nay, để duy trì sự ổn định đó, theo ông Carter, Mỹ cần duy trì ưu thế tuyệt đối về quân sự trước sự lớn mạnh và quyết đoán của quân đội Trung Quốc. Và quân sự đi liền với kinh tế nên theo ông Carter, Mỹ không có cách nào khác là phải mở rộng thương mại với khu vực này.

Hiệp định TPP – giữa Mỹ và 11 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam – sẽ làm giảm các rào cản thương mại, thiết lập các tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Giới phân tích dự báo, với TPP, xuất khẩu của Mỹ có thể tăng thêm 123,5 tỉ đô la trong thập niên tới, chưa kể rằng tầng lớp trung lưu của khu vực này – khách hàng tiềm năng của nền kinh tế Mỹ – sẽ tăng rất nhanh từ 525 triệu người hiện nay lên 3,2 tỉ người trong 15 năm tới.

Tuy nhiên, TPP đã qua 5 năm đàm phán mà chưa kết thúc được dù Mỹ luôn xác định rằng TPP là trọng tâm trong chính sách “tái cân bằng” sang châu Á của Washington sau hơn một thập niên sa lầy trong chiến tranh Iraq và Afghanistan.

Một trong những trở ngại chính cho việc kết thúc đàm phán TPP là cho tới nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa gia hạn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama quyền xúc tiến thương mại (TPA – trade promotion authority). TPA – còn gọi là quy chế fast-track – cho phép chính phủ Mỹ được toàn quyền đàm phán các điều khoản của một hiệp định thương mại tự do (FTA) và khi hiệp định được trình lên Quốc hội để phê chuẩn thì Quốc hội Mỹ chỉ có thể duyệt hoặc không duyệt mà không có quyền chỉnh sửa các điều khoản đã đàm phán trong hiệp định. Trước đây chính phủ Mỹ đã được sử dụng TPA khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hoặc FTA với Peru và Hàn Quốc nhưng nay thẩm quyền đó đã hết hạn.

Dự kiến tuần tới, trong các phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh, Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận dự luật về gia hạn TPA cho chính phủ Mỹ. Cho đến nay, thành phần chống đối TPA chủ yếu là các nghị sĩ và dân biểu đảng Dân chủ của ông Obama, tập trung ở nghị sĩ Ron Wyden, bang Oregon – một nghị sĩ có ảnh hưởng lớn trong Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ. Nếu đảng Cộng hòa vận động được sự ủng hộ của một số nghị sĩ Dân chủ để có được trên 60 phiếu thuận ở Thượng viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu về TPA sắp tới thì triển vọng đàm phán hiệp định TPP mới có thể khai thông được và “về đích” trong giữa năm nay.

Đó cũng là lý do trong vài tuần qua đã có nhiều tiếng nói trên chính trường và truyền thông Mỹ kêu gọi các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ dự luật TPA, khai thông đàm phán TPP mà tuyên bố nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter là một ví dụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới