Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ trưởng TT&TT: Đã chặn 207 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ trưởng TT&TT: Đã chặn 207 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 8-11 về nội dung quản lý thông tin trên mạng, ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết Facebook, Google đã hợp tác tốt với Chính phủ Việt Nam. Có đến 90% yêu cầu hợp tác xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu, độc hại, mạo danh được hai doanh nghiệp này thực hiện.

Bộ trưởng TT&TT: Đã chặn 207 trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Làm sao quản lý được thông tin xấu, độc hại, mạo danh trên mạng xã hội nước ngoài và thúc đẩy phát triển mạnh xã hội Việt Nam là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Sẽ có 90 triệu người sử dụng các mạng xã hội của Việt Nam

Nói về nhiều thông tin xấu, độc hại, tin giả tràn lan trên mạng xã hội, ông Hùng cho rằng đây là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta. Về hành lang pháp lý, nước ta đã ban hành Luật An ninh mạng. Nhiều quốc gia có một quy định về xử lý tin sai, tin giả. Như gần đây Singapore đã ra một luật về xử lý tin giả và quy định xử lý rất nghiêm minh, có tính răn đe. Họ phạt những người tung tin giả  không phải phạt vài chục triệu đồng mà có thể phạt đến hàng triệu đô la Mỹ và phải đi tù hàng chục năm.

Tại Việt Nam, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp để ban hành quy định xử lý vấn đề tin giả.

Song ông Hùng cũng cho biết hiện nay viêc lan truyền thông tin giả, xấu, độc hại chủ yếu trên các mạng xã hội của nước ngoài. Trên các mạng trong nước thì cơ bản quản lý được. Các cơ quan chức năng đã phải thường xuyên làm việc với các mạng xã hội của nước ngoài để yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam, yêu cầu họ tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội. Tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên mạng xã hội nước ngoài.

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các mạng xã hội phải có công cụ lọc thông tin xấu, độc hại tự động. Mạng xã hội nước ngoài họ từ chối thực hiện điều này vì cho rằng họ đến từ một nền văn hoá khác, thể chế khác. Họ cho hay tại nước họ tin xấu độc do người sử dụng mạng xã hội đưa lên thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm chứ mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm lọc các thông tin xấu. Song ông Hùng cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ này kiên quyết với quan điểm yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nhập gia phải tuỳ tục. Trong trường hợp nếu các thông tin xấu, giả mạo không được các mạng xã hội lọc hết trước khi cho phép người dùng đăng tải, thì khi có thông tin xấu xuất hiện, phải hợp tác với cơ quan chức năng để gỡ bỏ.

“Trước đây Facebook  mà ta đưa ra 100 yêu cầu muốn hợp tác thì họ chỉ thực hiện khoảng 20-30. Gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông hình thành nhóm chuyên làm những việc này thì tỉ lệ hợp tác đã được nâng lên đến 70%. Google ngày trước yêu cầu họ gỡ bỏ 100 nội dung thì họ chỉ chấp hành cỡ khoảng 40-50% nhưng hiện nay mức độ chấp hành của họ đã lên mức 85%, thậm chí có một số nội dung hơn 90%. Cách đây 2 ngày Facebook đã chặn quảng cáo đối với 21 trang mạng chống phá Việt Nam”, ông Hùng nói.

Về các trang web, Facebook mạo danh  lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hùng cho hay hai tháng vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gỡ hạ xuống 207 trang mạo danh này. Sắp tới sẽ gỡ thêm các trang mạo danh các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội  các thành viên Chính phủ, Quốc hội và lãnh đạo các địa phương, các Bộ, ngành… 

Để có thể làm chủ nền kinh tế số, ông Hùng cho rằng Việt Nam rất cần phát triển các mạng xã hội nội. Do đó ngay sau khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, ông Hùng đã thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam. Ông cũng cho biết khi ông đảm nhiệm vị trí mới này thì số người dùng các mạng xã hội của Việt Nam khoảng gần 50 triệu. Sau khi thúc đẩy thì con số này lên khoảng 65 triệu.

"Nếu nếu tiếp tục đẩy mạnh cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, với tốc độ này thì đến năm 2020 sẽ đạt mục tiêu là có 90 triệu người sử dụng các mạng xã hội của Việt Nam – tương đương với con số người Việt sử dụng các mạng xã hội nước ngoài hiện nay", ông nói.

Ông Hùng lý giải việc vì sao phải đẩy mạnh phát triển lượng người dùng mạng xã hội Việt. Vì ví dụ như việc người dùng mạng xã hội nói gì, yêu ai mua gì, đi đâu, làm gì… thông tin đều nằm trên mạng xã hội. Nếu tất cả các thông tin, dữ liệu đó nằm ở một mạng xã hội mà lại không của Việt Nam… sẽ rất nguy hiểm.

Xử lý 24 triệu sim rác trong 1 tháng

Trước các câu hỏi của các đại biểu về vấn đề làm sao để hạn chế triệt để vấn đề sim rác (sim điện thoại được đăng kí thông tin ảo, không chính danh thông tin người dùng), ông Hùng cho biết đây cũng là thực trạng đã kéo dài nhiều năm nay. Nhưng trước đây Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào xử lý hàng trăm nghìn điểm bán sim, các đại lý. Nhưng gần đây cơ quan này đã đổi cách quản lý. Đối tượng quản lý tập trung là các nhà mạng và cụ thể để xảy ra tình trạng này thì chủ tịch hoặc tổng giám đốc các nhà mạng phải chịu trách nhiệm.

“Ngoài ra, mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ra một quy định nếu như nhà mạng nào còn vấn đề sim rác thì sẽ không cấp phép cung cấp các dịch vụ mới. Ví dụ như dịch vụ Mobile Money đẹp lại doanh thu hàng nghìn tỉ mà không được cấp phép thì nhà mạng sẽ sợ hơn là trước chỉ quy định xử phạt một vài chục triệu, vì tiền phạt quá nhỏ so với doanh thu họ có được”, ông Hùng nhấn mạnh.

Và với biện pháp mới này, chỉ trong tháng 10 vừa qua đã có 24 triệu sim rác được xử lý, giảm được 70% so với trước. Khi sim rác được xử lý sẽ hạn chế tin nhắn rác vì phần lớn tin nhắn rác là do sim rác tạo ra. Ngoài ra để hạn chế tin nhắn rác, ông Hùng cho biết các nhà mạng đã dùng những công nghệ lọc tự động và chặn được mỗi ngày khoảng 15 triệu tin nhắn rác.

Về vấn đề các cuộc gọi rác, gọi quảng cáo, ông Hùng cho biết các nhà mạng mỗi một tháng ghi nhận được cỡ khoảng 10.000 số máy lạ  thực hiện các cuộc gọi rác gây ảnh hưởng đến hàng triệu người. Bộ Thông tin và Truyền thông cách đây một tháng đã làm việc với các nhà mạng để tìm biện pháp xử lý việc này. Các nhà mạng đang thí nghiệm giải pháp kỹ thuật vì cuộc để chặn các cuộc gọi rác và hy vọng đến năm 2020 dụng đại trà sẽ hạn chế được tình trạng này.

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, tránh tình trạng thông tin cá nhân bị lộ lọt gây ra phải nhận các cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn rác. Ông Hùng cho rằng trước tiên chính mọi người phải thực hiện việc này. Không nên cung cấp thông tin tràn lan ở khắp mọi nơi khi đi mua hàng và được yêu cầu làm thẻ thành viên. Không nên dễ dãi trong chuyện đưa thông tin cá nhân.

Với các doanh nghiệp sở hữu thông tin cá nhân của khách hàng, ông Hùng cho hay chúng ta sẽ phải có một nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay Chính phủ  đã giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định này cho bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó sẽ quy định các doanh nghiệp sở hữu thông tin cá nhân của khách hàng được sử dụng như thế nào, được phép sử dụng vào việc gì, cái gì cần phải xin phép người sử dụng thì mới được công bố.

Quản lý và quy hoạch báo chí

Quản lý và quy hoạch báo chí cũng là một trong những nội dung được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước câu hỏi hiện nay có nhiều tạp chí điện tử mà hoạt động như một tờ báo cũng đưa tin tức hằng này… ông Hùng thừa nhận thời gian gần đây nhiều tạp chí đã hoạt động sai tôn chỉ mục đích và sẽ chấn chỉnh khi thực hiện quy hoạch báo chí. Hiện nay có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình. Sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch bảo chí, Bộ thông tin Truyền thông ban hành hế hoạch thực hiện là trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Hội. Đến năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của bộ, ngành và địa phương.

Hiện nay có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình. Sau khi Thủ tướng đã ký quy hoạch bảo chí, Bộ thông tin Truyền thông ban hành hế hoạch thực hiện là trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Hội. Đến năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của bộ, ngành và địa phương.

Ông Hùng cho hay, trước đây tổng nguồn thu từ quảng cáo của báo chí cỡ khoảng 26.000 tỉ đồng nhưng bât giờ chỉ còn cỡ khoảng 13.000 tỉ đồng, giảm một nửa so với trước (do rơi vào các mạng xã hội nước ngoài. Trong Luật quy định cơ quan chủ quản  phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí. Nhưng nhiều cơ quan chủ quản cũng buông lỏng cho anh em “tự bơi.”

Về quy hoạch báo chí, ông Hùng cho hay có 8.000 người làm việc tại các cơ quan báo chí có liên quan đến quy hoạch. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải cương quyết thực hiện quy hoạch này. Đến ngày 31-12-2019 những tờ báo thuộc diện quy hoạch mà không thực hiện xong thì sẽ đình bản.

Trước băn khoăn việc các báo “bán giấy phép cho tư nhân", ông Hùng cho biết, trong luật quy định các cơ quan báo chí được phép liên kết với tư nhân, các công ty truyền thông để thực hiện nội dung chương trình. Thực sự liên kết trong thời gian vừa qua  đã làm cho báo chí, đài truyền hình chất lượng tốt lên. Tất nhiên bên cạnh đó cũng có vấn đề phát sinh. Một số cơ quan báo chí là buông lỏng nội dung cho đối tác liên kết mặc dù phải chịu trách nhiệm về nội dung trước pháp luật.

Bộ Thông tin truyền thông cũng đang nghiên cứu sẽ ra một quy định để quản lý tốt hơn hoạt động liên kết này. Cuối năm nay hoặc đầu năm sau Bộ sẽ tổ chức tổng kết hoạt động liên kết này, để nó phát huy cái tốt và hạn chế tiêu cực , nếu cần sẽ có những điều chỉnh cần thiết để việc này được  tốt hơn. Bởi đây bản chất là hoạt động giúp cho báo chí phát triển và thông tin rất đa dạng và chất lượng. Nhưng nếu để quá đà, buông lỏng sẽ có vấn đề.

Nỗ lực đẩy mạnh chính phủ điện tử, kết nối dữ liệu

Trước câu hỏi về cung cấp dịch vụ công trực tuyến và chia sẻ dữ liệu, ông Hùng cho biết mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 17 của Chính phủ là năm 2020 sẽ đạt 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Nhưng hiện hay mới đạt được 10%. Để đẩy mạnh hoạt động này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung làm việc trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tốc độ này.

Về chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương với các bộ, ngành, ông Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm xong trục kết nối với các cơ sở dữ liệu tư pháp, bảo hiểm xã hội. Về cơ sở pháp lý cho hoạt động kết nối dữ liệu, ông Hùng cho hay trong năm nay Bộ này sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu, nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu Chính phủ điện tử, thành phố thông minh.

Ông Hùng cho hay hiện còn 2 cơ sở dữ liệu  bị chậm là cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai. Ông cho biết gần đây đã trực tiếp làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an để bàn bạc và tìm ra một giải pháp  cách thực hiện. Và hiện Bộ Công an cũng đã triển khai 75 triệu dữ liệu người dân được đưa lên mạng và đưa vào trong hệ thống. Hai bộ đặt mục tiêu cố gắng đến năm sau dự án về cơ sở dữ liệu dân cư này sẽ cơ bản hoàn chỉnh. Còn về cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết cũng đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để tìm giải pháp thực hiện và đã xong thiết kế sơ bộ để đầu năm 2020 là cả 63 tỉnh và  cơ quan Bộ triển khai đồng loạt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới