Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Xây dựng chuẩn bị thoái vốn khỏi doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỉ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ Xây dựng chuẩn bị thoái vốn khỏi doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỉ

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) – Quyết định thoái vốn khỏi Tổng công ty Sông Hồng của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận lũy kế của doanh nghiệp đã âm 1.011 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 750 tỉ đồng.

Bộ Xây dựng chuẩn bị thoái vốn khỏi doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỉ
Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng liên tục đi xuống trong những năm gần đây. Ảnh: ĐVCC

Bộ Xây dựng thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp

Hơn 13,241 triệu cổ phiếu SHG, tương đương 49,04% cổ phần của Tổng công ty Sông Hồng sẽ được Bộ Xây dựng đấu giá vào ngày 25-12, với mức giá khởi điểm là 10.000 đồng mỗi cổ phiếu, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đáng chú ý, thị giá của SHG chỉ ở mức 2.000 đồng mỗi cổ phiếu, thấp hơn năm lần so với mức giá khởi điểm tại phiên đấu giá. Ngoài ra, thanh khoản của cổ phiếu này rất kém khi không xuất hiện giao dịch trong nhiều phiên liên tiếp.

Tổng công ty Sông Hồng (mã chứng khoán: SHG) chỉ là một trong bốn doanh nghiệp do Bộ Xây dựng đại diện chủ sở hữu phải thực hiện thoái vốn trước ngày 30-11-2020, theo theo Quyết định 908/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành.

Trước đó, Bộ này đã thực hiện thoái vốn tại Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và ước thu về 3.935 tỉ đồng.

Cơ quan dự kiến đấu giá hơn 139,3 triệu cổ phiếu HAN của Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 16-12-2020.

Lỗ lũy kế vượt mốc 1.000 tỉ đồng

Quyết định thoái vôn khỏi Tổng công ty Sông Hồng của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp liên tục đi xuống trong 8 năm gần nhất. Thậm chí, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp luôn cao hơn tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp đạt 1.484 tỉ đồng trong năm 2012. Nhưng sang năm 2013, con số này giảm xuống chỉ còn 1.336 tỉ đồng. Tới năm 2019 chỉ còn hơn 63,1 tỉ đồng.

Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Sông Hồng chỉ âm 3 tỉ đồng. Nhưng tới năm 2019, con số này là 72,8 tỉ đồng.

Với kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm, lợi nhuận lũy kế của doanh nghiệp là 973,08 tỉ đồng tính tới 31-12-2019. Còn vốn chủ sở hữu năm 2019 toàn doanh nghiệp đã âm 666,18 tỉ đồng.

Danh mục tài sản bất động sản của Tổng công ty Sông Hồng hiện có hai lô đất tại số 70 An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội là trụ sở của Tổng công ty và một lô đất tại chi nhánh Lào Cai thuộc dự án Khách sạn Royal Sông Hồng. Ngoài ra, còn có dự án nhà ở cán bộ công chức Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có diện tích 2,6 héc-ta.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ ngắn hạn của Tổng công ty Sông Hồng là 1.516 tỉ đồng tính tới cuối năm 2019, cao hơn tài sản ngắn hạn khoảng 615,09 tỉ đồng. Còn dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp âm 4,9 tỉ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải trả. Những dấu hiệu này cho thấy doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nếu các khoản vay dài hạn và nợ phải trả dưới một năm đều chuyển thành nợ phải trả ngắn hạn tại thời điểm quyết toán.

Thậm chí, khoản vay tại Oceanbank để thi công công trình Nhiệt điện Vũng Áng I  với giá trị nợ gốc là 191 tỉ đồng, lãi vay là 310,4 tỉ đồng đã khiến Công ty mẹ – Tổng công ty Sông Hồng và tổ hợp các công ty thành viên mất khả năng thanh toán.

Cụ thể, khoản nợ phải trả liên quan tới các nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty Sông Hồng với các công ty con liên tục gia tăng, do phát sinh lãi vay phải trả. Còn việc thu hồi vốn từ công trình Nhiệt điện Vũng Áng I gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư là PVN chưa phê duyệt thanh quyết toán.

Theo Ban lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng, khoản nợ này ảnh hưởng lớn tới xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo thêm nguồn tài chính.

Vì vậy, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2020. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế chín tháng đầu năm 2020 của Tổng công ty Sông Hồng là âm 38,6 tỉ đồng. Điều này khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp âm hơn 1.011 tỉ đồng, còn vốn chủ sở hữu âm gần 705 tỉ đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới