(KTSG Online) - Bộ Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.
- Cần giải pháp đồng bộ phát triển nhà ở xã hội
- TPHCM kiến nghị tháo gỡ vướng mắc thủ tục để đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội
Theo Cổng thông tin Bộ Xây dựng, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, Bộ Xây dựng sau quá trình tham khảo các chuyên gia, các doanh nghiệp bất động sản, sẽ có văn bản kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016.
Bộ Xây dựng cho rằng, hiện có nhiều rào cản trong cơ chế phát triển nhà ở xã hội đang làm phát sinh thủ tục, chi phí. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội phải mất 1-2 năm để hoàn thành những thủ tục này.
Đăc biệt, hầu hết các địa phương chưa dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai.
Bên cạnh đó, giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thời gian qua chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, quản lý doanh nghiệp, việc định mức lợi nhuận dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% đã không thu hút được doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội.
Cùng với đề xuất gói tín dụng mới dự kiến được trình bày tại hội nghị trực tuyến về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tổ chức ngày 17-2, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, như chính sách giao đất để đầu tư dự án nhà ở xã hội; dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; phương thức chọn chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội…
Tái cấp vốn chỉ là phương án nhất thời, áp dụng trong những tình huống khẩn cấp. Không được lạm dụng tung mạnh tiền ra lưu thông vì tiềm ẩn rủi ro vĩ mô rất cao, trực tiếp ảnh hưởng đến lạm phát. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sớm có cơ chế hợp lý để đánh thức, khai thông nguồn lực xã hội. Nếu đánh giá của Tổ công tác Chính phủ, xác định 70% khó khăn của lĩnh vực bất động sản là do quy trình pháp lý, thì tồn tại đã quá rõ ràng rồi. Cơ chế chính sách tháo gỡ mang tính triệt để phải đi trước một bước. Bộ Xây dựng nên tập trung sức xử lý vấn đề này chứ không phải là kiến nghị tung gói này, gói kia. Nếu chỉ biết bơm tiền ra lưu thông, không tính toán kỹ, thì hậu quả thật khó lường !