Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bộ Y tế: chưa bắt buộc thực hiện nhà thuốc GPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bộ Y tế: chưa bắt buộc thực hiện nhà thuốc GPP

Thu Hiền thực hiện

Thứ trường Bộ Y tế Cao Minh Quang. Ảnh: Thu Hiền

(TBKTSG Online) – Bộ Y tế ngày 5-8 đã cấp giấy chứng nhận hệ thống nhà thuốc đạt chuẩn GPP cho Công ty Dược phẩm ECO. Đây là chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng đủ 3 quy trình gồm thực hành tốt bảo quản thuốc, phân phối thuốc và thực hành nhà thuốc tốt (nhà thuốc GPP).

Nhân sự kiện này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có cuộc phỏng vấn nhanh Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang về tình hình thực hiện xây dựng chuỗi nhà thuốc GPP và thị trường phân phối thuốc.

TBKTSG Online: Xin thứ trưởng cho biết tình hình triển khai GPP cho các nhà thuốc trên cả nước đến thời điểm này ra sao?

Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang: Kể từ tháng 1-2007, Bộ Y tế đã có chủ trương xây dựng nhà thuốc đạt chuẩn GPP nhằm hướng tới việc sử dụng thuốc an toàn, giá cả hợp lý cho người dân. Theo lộ trình, GPP bước đầu được triển khai ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ và Đà Nẵng. Đến nay, đã có 444/9.066 nhà thuốc trên cả nước đạt chuẩn GPP, trong đó có 140 nhà thuốc bệnh viện. Đã có 15 doanh nghiệp tham gia vào tổ chức hệ thống bán lẻ với các chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP.

Đến nay, việc thực hiện GPP còn chậm so với lộ trình đã đặt ra song Bộ Y tế không có chủ trương buộc tất cả các nhà thuốc phải hoàn thành.

Trong chiến lược sắp xếp lại hệ thống phân phối thuốc thì mô hình chuỗi nhà thuốc GPP của các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích hình thành và phát triển trong bối cảnh các công ty dược phẩm nước ngoài có quyền nhập khẩu thuốc trực tiếp theo cam kết của Việt Nam với WTO kể từ tháng 1-2009.

Vậy các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuỗi nhà thuốc GPP cụ thể như thế nào?

– Đây thực sự là một câu hỏi lớn của tất cả các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và những doanh nghiệp đang có ý định xây dựng chuỗi nhà thuốc GPP. Bởi xây dựng chuỗi nhà thuốc GPP đòi hỏi vốn đầu tư lớn cho việc áp dụng các quy trình chặt chẽ về công nghệ thông tin, quản trị, quản lý điều hành, quản lý chất lượng thuốc, quản lý giá cả… Trong khi đó, các doanh nghiệp đi tiên phong này sẽ gặp nhiều khó khăn như về thị phần, về bán thuốc phải có đơn thuốc, khó khăn về sự tồn tại song song hai hệ thống GPP và không áp dụng GPP trên thị trường.

Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đã nghiên cứu kỹ và đưa ra các chính sách. Trước hết, các doanh nghiệp được quyền phân phối lẻ thuốc, đặc biệt là đối với hàng kê đơn, hàng xách tay (từ nước ngoài về) và hàng chuyên khoa đặc trị. Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền nhập khẩu trực tiếp, được quyền cung ứng thuốc cho các chương trình y tế quốc gia, cung cấp thuốc cho bảo hiểm y tế, được quyền mua và phân phối lại thuốc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp) và được quyền mở rộng phạm vi kinh doanh so với các chủ nhà thuốc không đạt GPP.

Ông có nói rằng, các doanh nghiệp xây dựng chuỗi GPP có quyền phân phối hàng xách tay. Vậy, Bộ Y tế sẽ quản lý như thế nào về mặt chất lượng thuốc và giá cả của mặt hàng trên?

– Hàng xách tay về mặt nguyên tắc là không được phân phối, đây là hàng mua về để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của cá nhân. Trước đây, Bộ Y tế chỉ cho phép hàng xách tay có giá trị là 30 đô la Mỹ và đến nay đã nâng mức lên 100 đô la Mỹ và việc đưa hàng xách tay ra nhà thuốc để bán là một hành động bất hợp pháp.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế đã pháp chế hóa việc này là đưa hàng xách tay vào danh mục thuốc đặc trị và dựa vào đó bộ sẽ cấp quota nhập khẩu chính thức cho chuỗi nhà thuốc và chuỗi nhà thuốc được quyền bán cho các nhà thuốc nằm trong hệ thống.

Về quản lý chất lượng, mặt hàng thuốc đặc trị này được quản lý như các hàng nhập khẩu khác như phải qua kiểm định chất lượng của Cục Quản lý dược.

Còn hàng xách tay thông thường của người dân hiện nay chúng ta không thể kiểm soát nổi về mặt số lượng, nguồn gốc và chất lượng kiểm định. Và người mua hàng xách tay phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng thuốc. Vì vậy, Bộ Y tế không khuyến khích người dân sử dụng hàng xách tay cá nhân.

Đối với các nhà thuốc chưa đạt chuẩn GPP, bộ có hướng giải quyết như thế nào?

– Dự kiến 2010, những nhà thuốc không đạt GPP thì phạm vi kinh doanh của những nhà thuốc này sẽ bị thu hẹp, chỉ được phép kinh doanh những loại thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn. Khi mà sự phát triển của hệ thống GPP đủ mạnh và đủ lớn thì việc khép lại hoạt động của các nhà thuốc không đạt chuẩn là tất yếu.

Theo dòng chảy của nền kinh tế thị trường, những nhà thuốc không đạt chuẩn sẽ không thể tồn tại một cách lâu dài được bởi nó là mối nguy cơ của sự cạnh tranh không công bằng với các nhà thuốc đã đạt chuẩn GPP và ảnh hưởng lớn đến việc sắp xếp lại hệ thống phân phối vốn có nhiều bất cập hiện nay.

Xin cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới