(KTSG Online) - Ngày 11-5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, đề nghị làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan đến việc tiêm vaccine đã hết hạn cho trẻ em tại địa phương này.
- Người dân tranh thủ đi tiêm vaccine Covid-19 trong những ngày nghỉ lễ
- Bộ Y tế bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B
Cục Y tế dự phòng đã nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa về sự cố tiêm chủng tại Trạm y tế Thăng Bình (huyện Nông Cống), baochinhphu.vn thông tin.
Theo đó, sáng 9-5, trạm y tế đã tiêm vaccine Hexaxim (vaccine 6 trong 1) mũi 1 hết hạn hồi tháng 3-2023 cho 4 trẻ từ 2-4 tháng tuổi.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị điều tra, họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân để xảy ra vụ việc trên, thực hiện các hoạt động khắc phục sự cố; làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm dẫn đến tiêm vaccine hết hạn cho trẻ; đề nghị các đơn vị rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, tránh để xảy ra trường hợp tương tự.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng trên địa bàn trong trường hợp cần thiết, đảm bảo thực hiện việc tiêm chủng an toàn theo quy định.
Với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Cục Y tế dự phòng đề nghị lực lượng liên quan hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương trong việc điều tra, xác minh nguyên nhân, sự cố sau tiêm chủng; đề xuất các hoạt động khắc phục sự cố trong thời gian tới.
Theo TTXVN, hôm qua (11-5), Tổ chức y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế khi số ca nhiễm đang giảm mạnh.
Thế giới lần đầu tiên phát hiện đậu mùa khỉ lây lan mạnh vào tháng 5-2022. Đến tháng 7 cùng năm, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế. Theo số liệu mới nhất của WHO, từ đầu năm 2022 đến ngày 8-5 vừa qua, đã có hơn 87.000 người mắc bệnh đậu mùa khỉ tại hơn 100 nước trên thế giới.