(KTSG Online) - Bộ Y tế đang triển khai 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, sẽ thành lập trên cả nước các trung tâm dự trữ với khoảng 15-20 loại thuốc hiếm.
- Đề xuất dự trữ thuốc hiếm và chấp nhận hủy thuốc khi hết hạn
- Nhiều bệnh viện TPHCM thiếu thuốc hiếm, người bệnh phải mua thuốc giá cao
Theo Baochinhphu.vn, trước thực trạng các bệnh viện lớn triền miên thiếu thuốc hiếm và thuốc hạn chế nguồn cung, đặc biệt là thiếu thuốc BAT giải độc botulinum đã khiến 1 bệnh nhân không qua khỏi trong khi chờ thuốc giải ở TPHCM, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu thành lập các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung mà Việt Nam cần.
Việc thành lập các trung tâm và ngân sách cho dự trữ các loại thuốc do Bộ Y tế quản lý, chủ động mua sắm, điều chuyển thuốc cho tất cả các địa phương. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn các bệnh viện đặt hàng, nhập khẩu các loại thuốc này.
Bộ Y tế giao Cục Quản lý dược hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung trên cả nước; số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng 15-20 loại, trong đó thuốc BAT giải độc botulinum, huyết thanh kháng nọc độc rắn là những loại thuốc phải nằm trong danh mục các thuốc Việt Nam dự trữ.
Cục Quản lý dược cho biết, do diễn biến cung ứng thuốc tại một số thời điểm bị gián đoạn, ngay cả thuốc dành cho các bệnh thường gặp cũng bị hạn chế nhà sản xuất, nguồn cung ứng trong khi thời gian chuyển thuốc về Việt Nam kể từ khi đặt hàng đối với nhà sản xuất nước ngoài tối thiểu là 14 ngày.
Do đó, Cục Quản lý dược đã thống nhất với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, thiết lập cơ chế liên thông mua bán, tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh khu vực và với các kho của WHO. WHO hứa sẽ hỗ trợ tìm kiếm từ các kho dự trữ thuốc để đảm bảo thuốc dự trữ cho Việt Nam.
Liên quan đến việc mua, dự trữ thuốc giải độc botulinum. Hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM và Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội là hai trung tâm chống độc hàng đầu Việt Nam đã từng mua dự trữ cơ số thuốc và chia sẻ cho các bệnh viện tuyến dưới điều trị nhiều vụ ngộ độc vừa qua.
Tuy nhiên khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc, thiếu thuốc giải độc song các bệnh viện rất e ngại trong việc mua dự trữ thuốc BAT giải độc botulinum vì giá thành rất cao, trong khi số lượng bệnh nhân cần không nhiều. Trong lúc khó khăn, nếu bệnh viện mua mà không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng đều phải tiêu hủy.