(KTSG Online) - Dù bức tranh kinh tế vĩ mô đã tươi sáng hơn với những con số tăng trưởng thuận lợi, hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang chật vật đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này càng rõ nét khi tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không ngừng gia tăng ghi nhận mức kỷ lục mới vào năm 2024.
- Doanh nghiệp khó khăn được lùi thời hạn trả nợ thêm 6 tháng
- Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 55% GDP trong năm 2025
Nhiều doanh nghiệp rời thị trường
Kết thúc năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận với tăng trưởng GDP đạt 7,09%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp trong nước lại không tương xứng với những chỉ số vĩ mô tích cực.
Ông Trần A. Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại TPHCM chuyên cung cấp nguyên liệu phụ gia cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã đưa ra quyết định táo bạo vào giữa năm 2024: đóng cửa công ty sau hơn 25 năm dấn thân vào kinh doanh. Đến nay, mọi thủ tục giải thể đã hoàn tất, khép lại cuộc đời làm doanh nhân của người đàn ông thế hệ 7X.
"Những năm qua, nhất là sau dịch Covid, tình hình kinh doanh trở nên cực kỳ khó khăn. Lợi nhuận sụt giảm mạnh, trong khi công việc vẫn đòi hỏi khối lượng nỗ lực lớn nhưng gần như chỉ đủ để duy trì hoạt động cho hơn 50 nhân viên", ông Hưng bộc bạch, nói thêm: "Khi thời hạn trả mặt bằng nhà xưởng đến gần, tôi hiểu rằng đã đến lúc ngừng ký hợp đồng cung ứng với các đối tác và thực hiện giải thể công ty".
Tình hình cũng tương tự với Công ty Liên Phát tại Bình Dương, nơi đã phải ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng. Làm việc trong môi trường khó khăn, lãnh đạo công ty đã quyết định ngừng gia công giày dép xuất sang các thị trường EU, Nhật Bản và Mỹ. Giám đốc công ty Trương Thúy Liên cho biết sẽ cho thuê lại nhà xưởng, kho bãi tại huyện Dĩ An.
Cảnh báo từ các doanh nghiệp khác cũng rất rõ nét. Tại thành phố Dĩ An, các doanh nghiệp da giày, bao gồm cả những đơn vị lớn, phải thu hẹp sản xuất hoặc rút khỏi thị trường do áp lực từ việc thiếu đơn hàng và cạnh tranh lao động.
Còn bà Mỹ Phương, chủ cửa hàng thời trang đường Lê Văn Sỹ (TPHCM), cho biết: “Sau một năm kinh doanh thua lỗ nặng, tôi buộc phải dừng lại. Dù đã cố gắng cạnh tranh cả offline và online, nhưng không thể thoát khỏi sức ép từ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, Thái Lan cũng như sức mua sụt giảm”.
Không chỉ riêng ba doanh nghiệp trên, năm 2024 chứng kiến nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường năm qua đã tăng 14,7% so với năm 2023, đạt kỷ lục 197.900 doanh nghiệp, tương đương gần 16.500 doanh nghiệp/tháng.
Số lượng doanh nghiệp ra đời trong năm 2024 cũng giảm 1,4% so với năm trước, điều này cho thấy tình hình vẫn còn rất khó khăn. Đáng chú ý, trong hai tháng cuối năm 2024, số doanh nghiệp tham gia thị trường cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm đã gây áp lực đáng kể lên khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng như tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế toàn cầu đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần cải tổ và tiếp sức
Những khó khăn mà doanh nghiệp trong nước đang gặp phải lại trái ngược với những chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan. GDP tăng trưởng 7,09% và xuất khẩu ghi nhận kỷ lục 405,53 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,3% so với năm trước.
Thực tế, phần lớn thành tích này thuộc về khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với kim ngạch đạt 290,8 tỉ đô la (chiếm hơn 70%) và xuất siêu 47,5 tỉ đô la không kể dầu thô. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân, vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nhập siêu và thiếu sức cạnh tranh.
Ngoài bất ổn với tình hình chính trị kinh tế thế giới, những xu hướng liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế đã và đang là rào cản lớn của quá trình xuất khẩu hàng hóa trong nước.
Cũng cho rằng tăng trưởng xuất khẩu 2024 chủ yếu từ khu vực FDI, TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, lưu ý trong bối cảnh kinh doanh đòi hỏi sự minh bạch và quy chuẩn, sự chậm trễ trong việc thích nghi đã dẫn tới thách thức lớn cho doanh nghiệp.
"Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần thiết phải nâng cấp quản trị, đầu tư vào con người và xanh hóa sản xuất. Cách thức kinh doanh lạc hậu đã không còn phù hợp với môi trường hiện tại", ông nhấn mạnh.
Để giúp doanh nghiệp vượt khó, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy trình quản lý hiện đại như ISO.
Ông cũng đề xuất cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt gánh nặng, tránh tình trạng hoàn thuế chậm, thủ tục xây dựng phức tạp... Chính sách cần tạo sự công bằng, không phân biệt đối xử.
Đồng quan điểm cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, chính sách cần giảm hộ kinh doanh gia đình theo kiểu nộp thuế khoán. Bởi rất nhiều hộ kinh doanh với lượng lao động cả trăm người, doanh thu cao nhưng lại đóng thuế thấp hơn những doanh nghiệp có lượng lao động tương đương.
"Quá trình số hóa thủ tục hành chính sẽ giúp cải thiện tính minh bạch; giảm thanh tra, kiểm tra... để doanh nghiệp tập trung kinh doanh", ông Doanh nói.
Đối với vấn đề chi phí vốn, tỷ lệ lãi suất vay theo hai chuyên gia này là còn cao hơn các nước, khiến cho doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong cạnh tranh.
Mặt khác, việc áp dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất cũng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang mô hình xanh, bền vững đang trở nên cấp thiết.
Các chuyên gia dự báo: tình hình kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ tiếp tục phức tạp và khó đoán, tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu. Vì vậy, việc đa dạng hóa thị trường là cần thiết.
Tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đang phải đối mặt với tình trạng sức mua suy giảm, niềm tin kinh doanh yếu kém và chi phí đầu vào gia tăng.
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị về chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất vay, cải cách thủ tục hành chính, giảm phí thuê đất để giảm áp lực tài chính. Trong lĩnh vực bất động sản, cần có thông tin minh bạch về đấu thầu để thúc đẩy cải thiện.
Ngành công nghiệp hỗ trợ cần có chính sách phát triển các tập đoàn công nghệ lớn để dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn, tạo nên chuỗi cung ứng nội địa mạnh mẽ.
Hiện tại, không chỉ là lúc doanh nghiệp tự cải tổ, mà cũng là thời điểm nhà nước cần tiếp sức cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nếu cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cùng quyết tâm, chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai khả quan hơn, với hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau là chìa khóa vượt qua giai đoạn khó khăn này.