Thứ tư, 20/11/2024
30.6 C
Ho Chi Minh City

Bốn rào cản ngăn rau quả Việt Nam gia nhập các thị trường lớn 

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ và đóng gói bao bì là các vấn đề khiến rau, củ, quả Việt Nam khó tiếp cận các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Tổng kim ngạch nhập khẩu rau, củ, quả châu Âu trị giá 120 tỉ đô la Mỹ/năm nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 190 triệu đô la.

Tại diễn đàn “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ” ngày 7-7, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 13,9% so với cùng giai đoạn năm trước.

Trong đó, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỉ đô la gồm cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều loại nông sản của Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn. Cụ thể, với thị trường Trung Quốc là tổ yến, bơ, bưởi, mãng cầu, mận và dừa; với Nhật Bản là nhãn, bưởi, chanh leo, gia cầm đã qua xử lý nhiệt; với Hàn Quốc là tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến...

Tương tự, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu nhấn mạnh rau, củ, quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất giúp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang châu Âu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu đô la mỗi năm, chiếm tỉ trọng rất nhỏ tính trên tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 120 tỉ đô la của thị trường này.

Sản xuất nông nghiệp tại nhiều vùng, miền của Việt Nam hiện vẫn giới hạn ở quy mô những nông hộ nhỏ. Ảnh: H.P

Ông Ngô Quang Tú, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có bốn vấn đề cần giải quyết để đưa nông sản Việt Nam vào các thị trường lớn.

Về nguyên liệu, nguồn nguyên liệu mới đáp ứng 50-60% công suất chế biến do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất. Thêm vào đó, chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo, sản phẩm không đều và không ổn định về kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng.

Về doanh nghiệp tham gia thị trường, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất hoặc có quy mô vốn rất nhỏ, với hơn 80% số cơ sở chế biến có quy mô vốn dưới 2 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp này không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Việc bảo quản sau thu hoạch cũng ở mức kém do thiếu thiết bị tối thiểu như điện, nước, kho lạnh, trình độ quản lý và tay nghề cũng thấp. Điều dẫn khiến tổn thất sau thu hoạch vượt mức 20%.

Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp gặp nhiều rào cản kỹ thuật về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, thuế, điều kiện lao động, môi trường, truy xuất nguồn gốc.

Cuối cùng là về chính sách, hiện mức hỗ trợ cho ngành nông nghiệp còn thấp, thủ tục phức tạp. Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, lãi suất vay chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Tú kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, gồm tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến; ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau, quả.

Thêm vào đó là hoàn thiện chính sách phát triển thị trường sản phẩm chế biến và tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án phát triển ngành chế biến rau, quả giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 417 ngày 22-3-2021 của Thủ tướng.

Ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty international Fresh Group đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn cũng như cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Tiếp sau đó là chọn mặt hàng và chiến lược tiếp thị phù hợp.

Với doanh nghiệp, ông khuyến nghị cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vì chỉ cần một vài lô hàng không đạt tiêu chuẩn là có thể ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu còn lại.

Tại sự kiện trên, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II (Cục Bảo vệ thực vật) cũng cung cấp thông tin về yêu cầu của từng thị trường đối với sản phẩm rau, củ, quả.

Trong đó, thị trường Mỹ yêu cầu rau, quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ còn Hàn Quốc và Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng. Với EU lại khác, những nông sản như xoài, bưởi, chanh và một số loài rau ăn lá nằm trong nhóm được yêu cầu giám sát nhưng với trái mận hậu, EU lại không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật mà yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại.

“Các loài như sâu đục lá, sâu đục cuống được phía bạn ghi cụ thể, chi tiết trong các phụ lục”, bà Hiền nói và kiến nghị hợp tác xã, hộ nông dân phối hợp cơ quan quản lý nhà nước để giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói với nông sản xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới