Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Bóng ma’ hiệu quả đầu tư trong nhà hát

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngày 8-10-2018, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa IX (kỳ họp bất thường), đại biểu đã thông qua tờ trình của UBND TPHCM về dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch. Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, sau được điều chỉnh lên 2.000 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Đã có nhiều ý kiến đồng tình và không đồng tình với dự án này. Tuy nhiên, cần nhìn một cách nghiêm túc và có bằng chứng về dự án này.

Sản phẩm cuối cùng của việc xây nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch là sản phẩm nghệ thuật, vui chơi giải trí thuộc ngành cấp 1 R và ngành cấp 2 là ngành số 90. Tuy nhiên nếu xây nhà hát rồi cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thuê thì ngành cấp 1 là ngành L và ngành cấp 2 là (681 – 6810).

Dù là hình thức nào thì đây là một loại doanh nghiệp nhà nước với nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Do đó, việc xây nhà hát không giống việc xây tượng đài. Như vậy, khi thiết lập dự án này, cần làm rõ xây để các đơn vị nghệ thuật thuê miễn phí phục vụ khán giả miễn phí hay là một dự án kinh doanh? Nếu xây nhà hát để kinh doanh thì cần nghiên cứu nghiêm túc, phải trả lời các câu hỏi có ai thuê không, có khán giả xem không, giá vé vào cửa sẽ là bao nhiêu, bao nhiêu năm thì hoàn vốn. Tất cả những vấn đề đó cần làm rõ vì tiền từ ngân sách dù từ bất cứ nguồn nào, thuế hay từ nguồn thu bán đấu giá khu đất nào đó mà chính quyền quản lý, đều là tiền của dân.

Như vậy để mọi ý kiến bênh vực hoặc phản đối tỏ ra thuyết phục thì đều cần dựa vào những nền tảng chuẩn mực cơ bản. Một số ý kiến đánh đồng việc xây nhà hát và tượng đài là không hoàn toàn đúng; xây nhà hát là đầu tư cho sản xuất mà sản phẩm của nó là sản phẩm dịch vụ, nếu làm ăn có lãi thì đó là điều tốt. Những ý kiến phản đối cũng có phần đúng khi cho rằng bỏ ra một lượng tiền khổng lồ từ ngân sách để đầu tư mà hầu như không có một nghiên cứu tiền dự án nào để chứng minh khoản tiền bỏ ra là có thể đo lường về mặt lợi ích, khi nào thì thu hồi được vốn đầu tư?

Tuy nhiên, cuối tháng 8-2022, TPHCM đã quyết định tạm dừng thực hiện dự án này và cho rằng nếu có vốn thì có thể bổ sung bố trí vốn cho dự án này trong kỳ trung hạn 2021-2025, song vẫn không đề cập gì đến mục đích sử dụng của nhà hát: mang tính kinh doanh hay xây để sử dụng miễn phí ai muốn vào ngắm thì vào như kiểu ngắm tượng đài? Xây tượng đài có thể làm tăng GDP ngay tại thời điểm đó, nhưng về mặt kinh tế nó không lan tỏa đến chu kỳ sản xuất sau.

Lưu ý rằng, số liệu trên trang web của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ 6 trong năm 2016 xuống 5,8 trong năm 2019 và tăng lên 14,3 trong năm 2020 và 15,5 trong năm 2021. Giai đoạn 2011-2015, hệ số ICOR tính chung cả nền kinh tế là 6,25; giai đoạn 2016-2021 hệ số này tăng lên 7,54. Hệ số ICOR thể hiện cần bao nhiêu đồng đầu tư để tạo ra một đồng tăng trưởng GDP; hệ số này càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại.

Về mặt ý nghĩa kinh tế, hệ số ICOR thường được tính cho một giai đoạn vì phản ánh chính xác hơn việc tính ICOR cho hàng năm (lý do là trong thời gian ngắn sẽ có một lượng đầu tư chưa phát huy tác dụng). Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy hệ số ICOR trong giai đoạn 2016-2021 và đặc biệt trong năm 2021 là quá cao – phần nào phản ánh hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Nếu trước đây chỉ cần bỏ 5-6 đồng để tạo ra 1 đồng tăng trưởng GDP thì năm 2021 cần tới hơn 15,5 đồng để có được 1 đồng tăng trưởng. Và hiệu quả đầu tư của khu vực Nhà nước thường thấp hơn hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế.

Như vậy TPHCM lựa chọn dừng dự án xây nhà hát trong thời điểm các vấn đề khác cấp thiết hơn là lựa chọn đúng đắn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới