Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bóng và người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bóng và người

(TBKTSG) – Mấy anh Tây rảnh rỗi đa sự việc gì cũng thích khảo sát, điều tra. Như chuyện Euro 2008 mới đây: để xem thử các nhà bình luận bóng đá giỏi tiên đoán kết quả trận đấu đến mức nào, một nhóm nghiên cứu của Sở Y tế và kinh tế thành phố Geneva (Thụy Sĩ) đã cất công đi hỏi 250 người, gồm cả những chuyên gia bóng đá, người hâm mộ và cả những người chẳng ham bóng đá bóng điếc gì.

Kết quả thật bất ngờ: chỉ có 10,9% chuyên gia đoán chính xác kết quả trận Hà Lan thắng Ý – trong khi tỷ lệ này ở nhóm “vô cảm” với bóng đá lại là 11,4%. Tương tự ở trận Romania hòa Pháp, tỷ lệ dự đoán đúng của nhóm chuyên gia cũng thấp hơn nhóm sau (14,5% so với 17,1%). Kết luận: khả năng dự đoán kết quả trận đấu của chuyên gia thậm chí còn kém hơn người thường! (Tuổi Trẻ, 14-6).

Cam đoan nếu đem cái kết quả khảo sát này hỏi chuyện những nhà thống kê bài bản thể nào cũng bị chỉnh: “Ối dào, chỉ mới hỏi có 250 người trong hàng tỉ người thì làm sao mà tiêu biểu; lại chỉ lấy vài trận trong tổng số 31 trận của cả vòng chung kết thì chính xác thế nào được! Không khả tín (nếu không nói là… tào lao)”.

Nhưng hỡi ôi, cái sự “tào lao” này lại được thực tế sân cỏ xưa nay ủng hộ. Gần đây nhất là ở Euro 2008 đang hồi gay cấn. Những dự đoán kết quả có vẻ hợp lý nhất của các chuyên gia kinh nghiệm đầy mình hóa ra… lạc quẻ, sớm phá sản.

Chẳng mấy ai đoán được sự tình hai nhà á quân Mundial 2006 và đương kim vô địch Euro 2004 là Pháp và Hy Lạp sẽ sớm theo nhau xách gói về nước. Cũng chẳng mấy chuyên gia dám quả quyết trước trận đấu rằng đội quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sống sót qua các cuộc đối đầu với các chiến binh tinh nhuệ Séc và Croatia hoặc cơn lốc màu da cam bỗng chốc biến thành cơn gió thu hiu hắt trước rừng bạch dương Nga…

Cho nên, nếu du di châm chước, thay vì nói gần 90% chuyên gia chuyên đoán trật lất kết quả như khảo sát kể trên (nghe bi quan quá) thì có thể rút xuống còn khoảng 60-70%. Mà như vậy cũng là già nửa rồi!

Vậy nên dân chúng cứ tự do dự đoán, chẳng phải áy náy gì khi nó đi ngược 180 độ với ý kiến chuyên gia và cứ an nhiên mà bảo vệ điều dự đoán của mình. Có anh nào lên giọng am tường mà chế diễu rằng đó chỉ là “đoán mò”, “đoán rùa” thì cứ việc trưng cái kết luận điều tra của mấy anh Tây Geneva và cứ chỉ vào kết quả thi đấu mấy hôm rày. Kẻ lên mặt chắc sẽ tắt đài.

Quả thật, riêng với cái vụ dự đoán, bóng đá cho ta quyền tự do, bình đẳng hoàn toàn với các “bậc bề trên”. Và đó là cái hệ luận nghiêm chỉnh đầu tiên rút ra từ kết quả khảo sát “tào lao” đó.

Liệu có thể có thêm một hệ luận nghiêm túc nào nữa chăng? Thưa, có đấy. Thực chất của một sự kiện nhiều khi – vâng, nhiều khi – cứ vượt ra ngoài những suy đoán có vẻ hợp lý trước đó và những diễn dịch có vẻ khách quan sau đó. Như thể nắm cát ướt cứ âm thầm tuôn ra khỏi những kẽ tay đang cố giữ chặt.

Logic bóng đá thường không nằm trong những bộ óc quảng bác có thể kể vanh vách lai lịch từng huấn luyện viên, cầu thủ hoặc thuyết giáo cả buổi về các đội hình chiến thuật 3-5-2, 4-3-3, 4-4-2, 4-2-3-1 hay gì gì khác. Nhiều lúc nó nằm ngay trong những xáo động bất ngờ trong tâm lý, trong xu hướng suy nghĩ và hành động không giải thích nổi của người trong cuộc, hoặc trong sự rủi may kỳ cục, tàn nhẫn…

Nhiều lúc nó mập mờ, bí ẩn như cuộc sống muôn mặt. Chẳng ai dám bảo ông Domenech kém thông minh, thiếu kinh nghiệm, thế nhưng làm sao giải thích được sự bảo thủ cực kỳ của ông ấy khi cứ khăng khăng giữ lấy những lão tướng đã quá nặng nề và ánh hào quang đã nhợt nhạt của mấy năm trước? Thật kỳ lạ!

Tương tự, làm sao giải thích được những quyết định lạ thường của Van Basten trong trận quyết đấu với Nga: từ bỏ đòn tấn công dồn dập từ đầu, quay về chơi thận trọng, để bị ép sân liên tục, và lơ là để hổng tuyến dưới, tạo cơ hội cho các tiền đạo Nga bắn phá thoải mái?…

Những câu hỏi đó, những bí mật đó khiến nhiều người không thôi thắc mắc, tìm cách “giải mật”. Sau một hồi mổ xẻ chán chê, nhiều chuyên gia đã phải thốt lên: ước gì họ có thể hiểu được những tính toán lạ thường của Van Basten; ước gì họ biết được bùa phép nào mà ông Hiddink đã dùng để lột xác đội Nga…

“Ước gì!” Quả tình đó là những lời bình luận đúng nhất, hợp lý nhất, và hay nhất trong kỳ Euro này. Có lẽ sự “giải mật” chỉ được hé lộ khi người trong cuộc lấy lại được bình tĩnh, nỗi đau đã nguôi ngoai, cơn hận đã lặn chìm. Cũng từa tựa câu chuyện của lịch sử.

Cuối cùng, cái hệ luận thứ ba không gì khác hơn là chuyện của con người với quả bóng. Con người – hắn ta tạo ra quả bóng và trò chơi với bóng. Hắn vốn đầy những hỉ nộ ái ố, vừa khôn ngoan vừa dễ sai lầm, vừa cứng cỏi vừa mềm yếu, rất đam mê mà lại dễ chán nản và hắn ta mang tất cả những thứ đó vào cuộc chơi với bóng.

Kết quả: bóng đá có đủ cả yếu tố con người: tốt – xấu, tiêu cực – tích cực, đúng – sai gì gì đó theo cách nhìn nhận của con người. Nhà cầm quân lừng danh Menotti của Argentina từng bảo rằng: “Bóng đá chính là sự tự thể hiện”. Bởi vậy, suy cho cùng, các chuyên gia, nhà bình luận và vô số người mê hay không mê bóng đá cũng nên nở nụ cười với cái kết luận khảo sát khá bất ngờ nhưng chẳng phải quá mới mẻ đó. Bóng đá vẫn cần có tất cả.

CÔNG THẮNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới