Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

BOT Cai Lậy và mối quan hệ Nhà nước – người dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

BOT Cai Lậy và mối quan hệ Nhà nước – người dân

Nguyễn Khắc Giang

BOT Cai Lậy và mối quan hệ Nhà nước - người dân
Trạm thu phí BOT Cai Lậy trong một lần xả trạm, không thu phí. Ảnh: nld.com.vn

(TBKTSG) – Giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy nói riêng và các dự án BOT nói chung, cũng như bao vấn đề khác nảy sinh trong mối quan hệ hiện tại giữa Nhà nước và người dân, cần sự nhìn nhận cân bằng hơn về vị trí giữa hai bên.

Đầu năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị bỏ loa phường và chính thức dừng phát loa hàng ngày tại bốn quận nội thành từ tháng 8. Đây là bước đi được đến 90% người dân Hà Nội được hỏi ủng hộ trong một khảo sát trước đó. Loa phường là đại diện tiêu biểu cho kênh truyền thông thế hệ cũ giữa Nhà nước và người dân: chỉ có nói mà không có nghe, nói theo ý chí chủ trương mà không cần để ý đến việc khu phố có đám tang, nhà có con nhỏ bị ốm, hay cụ già khó ngủ.

Cách “giao tiếp” một chiều như thế có thể tồn tại ở thời kỳ kinh tế tập trung, khi thông tin hạn chế và năng lực phản biện của người dân chưa cao. Nhưng với thời đại của Internet, mạng xã hội, và khi trình độ dân trí có sự cải thiện lớn, sẽ khó để thuyết phục người dân chỉ nghe lời mà không có chất vấn, đặc biệt với những gì họ coi là không đúng. Khi đó, việc lạm dụng quyền lực nhà nước để bắt người dân phải nghe theo sẽ gieo mầm cho bất ổn.

Đó là câu chuyện mà chúng ta thấy qua cuộc khủng hoảng ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hiện nay – đang được biết đến không chỉ trong phạm vi “khủng hoảng tiền lẻ”. Ngay sau khi tái hoạt động (từ cuối tháng 11-2017) kể từ ngày buộc phải đóng cửa trước phản ứng mạnh mẽ của các tài xế (từ tháng 8-2017), trạm BOT này tiếp tục đối diện với “làn sóng tiền lẻ” và buộc phải xả trạm liên tục. Chủ đầu tư, và cả cơ quan chức năng, đã phải xin chi viện với nhiều giải pháp đối phó khác nhau: từ đổi thêm tiền 100 đồng từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang, cho đến việc đưa lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động đến vãn hồi trật tự, hay cẩu xe tài xế bị cho là gây cản trở giao thông.

Các kênh truyền tải ý kiến của người dân tới Nhà nước và ngược lại cần được cải thiện, nhằm tối thiểu hóa những bất đồng quan điểm nảy sinh trong từng chính sách cụ thể. Người dân cần được coi là chủ thể để phục vụ, chứ không phải để đối phó.

Tất cả những giải pháp đó cho thấy Nhà nước và chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy có rất nhiều công cụ trong tay để đối phó với những bác tài bất mãn. Cơ quan chức năng còn có thể phạt tiền hoặc thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự với những người phản kháng tại Cai Lậy, theo một cách diễn giải pháp luật nào đó. Nếu cuộc khủng hoảng BOT Cai Lậy là sự đối đầu giữa một bên là Nhà nước – doanh nghiệp, một bên là người dân, đại diện bởi những tài xế đi qua tuyến đường có trạm BOT Cai Lậy (tạm gọi là các bác tài miền Tây), thì đó là cuộc chơi không hề cân sức.

Lựa chọn rủi ro nhưng là…duy nhất có thể

Các bác tài miền Tây, nếu lo sợ bị phạt hành chính hay thậm chí là vào tù, có những lựa chọn nào khác?

Con đường đầu tiên, dễ thấy nhất, là biểu tình. Đây là quyền được Hiến pháp quy định và bảo vệ qua cả bốn lần chỉnh sửa. Tuy vậy, quyền hiến định này chưa được cụ thể hóa bằng luật của Quốc hội hay thậm chí là nghị định của Chính phủ. Bởi thế, đây là kênh phản kháng gần như không thể áp dụng trong thực tiễn.

Lựa chọn thứ hai là đi kiện. Để kiện được, các bác tài sẽ phải xác định là mình kiện cái gì và kiện ai. Nếu cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí theo quy định, thì họ sẽ phải kiện các cơ quan chức năng ký quyết định lập cái trạm đó, ở đây là Bộ Giao thông Vận tải. Khi đó, họ sẽ phải tham gia quá trình tố tụng được quy định trong Luật Tố tụng hành chính sửa đổi năm 2015. Con đường này có lẽ còn bất trắc và khó khăn hơn nhiều so với việc đi biểu tình.

Khi đó, trường hợp của họ sẽ nằm trong hàng chục ngàn vụ việc tố tụng liên quan đến quyết định hành chính không được giải quyết, còn tồn đọng trên cả nước trong năm năm qua (2010-2015). Theo tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Tố tụng hành chính sửa đổi, hàng năm số lượng các vụ khởi kiện quyết định hành chính là trên 5.000 vụ, nhưng tỷ lệ thành công, theo nghĩa sửa đổi hay hủy các quyết định, chỉ dưới 4%.

Ngay cả Chính phủ cũng thừa nhận, việc xử lý các vụ án hành chính chưa mang lại kết quả như ý muốn bởi nhiều yếu tố xuất phát từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nghiêm trọng nhất, đó là việc thời gian giải quyết chưa được đảm bảo: có những vụ kiện của người dân kéo dài ròng rã sáu năm trời mới được đưa ra xét xử, đến lúc ra tòa thì cơ quan ra quyết định hành chính lại không có mặt. Nếu may mắn nằm trong số 4% những người thành công, việc buộc cơ quan thua kiện thi hành án hành chính cũng không dễ dàng.

Thêm vào đó, cuộc phản đối trạm BOT Cai Lậy là ví dụ kinh điển cho câu chuyện thỏa ước tập thể. Ai sẽ nhân danh những bác tài bất mãn đi kiện? Theo nguyên tắc, người đi kiện sẽ phải đại diện cho toàn bộ những người cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm khi sử dụng trạm thu phí BOT. Như thế, người đi kiện sẽ phải nhận được sự đồng ý ủy thác của toàn bộ những người trên. Đây là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể.

Trường hợp này có thể xếp loại vào các vụ kiện tập thể (class action) theo truyền thống luật Mỹ, nơi các tổ chức đại diện, hiệp hội… có thể nhân danh người bị thiệt hại đi kiện. Nhưng ở nước ta, kiện tập thể gặp phải hai vấn đề chính. Thứ nhất, do chưa có Luật về Hội, việc các bác tài thành lập một tổ chức có pháp nhân, đủ tư cách đại diện cho mình, là không khả thi. Thứ hai, ngay cả khi có tổ chức đại diện, việc kiện tập thể cũng chưa có khung pháp lý đầy đủ để thực hiện. Một ví dụ điển hình là các vụ kiện doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan đại diện chính thức cho người lao động, hiện đều chưa tạo ra bất kỳ hiệu ứng kết quả khả quan nào.

Cách thứ ba, các bác tài có thể thông qua các cơ chế đại diện hiện có để nói lên tiếng nói của mình. Họ có thể tiếp cận đại biểu Quốc hội của khu vực mình sống, yêu cầu đưa vấn đề bức xúc ra thảo luận tại nghị trường. Họ cũng có thể thông qua cánh tay nối dài của Đảng là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội để truyền tải ý kiến của mình. Tuy vậy, kênh đại diện chỉ có thể nói lên nguyện vọng của các tài xế, kiến nghị xử lý, chứ không thể thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề nhanh hơn.

Đối phó với tiền lẻ không phải là cách

Như vậy, với các tài xế miền Tây, cả ba lựa chọn phản ứng hợp pháp về mặt lý thuyết nói trên đều khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Giải pháp phản ứng bằng tiền lẻ có lẽ là bước đi cực chẳng đã, bởi nếu so với các giải pháp trên thì chi phí cơ hội họ phải bỏ ra là rất lớn: đình trệ công việc, tốn công sức và thời gian, đồng thời gặp rủi ro với công an và chính quyền. Mức độ phản kháng của họ đã ở trên ranh giới giữa trong và ngoài khuôn khổ luật định. Khi một hình thức phản đối đầy rủi ro như vậy thực hiện trong một thời gian kéo dài và ở nhiều nơi trên cả nước, đó là lúc Nhà nước cần phải thực sự đánh giá lại nguyên nhân gây bất mãn, là chính sách chung hay quyết định riêng lẻ về BOT, chứ không phải tìm cách đối phó với tiền lẻ.

Nhà nước, với quyền lực của mình, đương nhiên có thể dùng biện pháp mạnh để giải quyết khủng hoảng tiền lẻ ở trạm BOT Cai Lậy. Cơ quan chức năng có thể bắt và phạt tiền một số tài xế “dẫn đầu” để làm gương. Truyền thông chính thức (chứ không phải là mạng xã hội) có thể hạn chế đưa tin, nhằm làm nguội đi những thảo luận gay gắt về BOT trong công chúng. Như dưới thời đại của loa phường, Nhà nước chỉ cần đưa ra mệnh lệnh và buộc người dân phải lắng nghe. Những phương án đó hoàn toàn có thể thực hiện được trong ngắn hạn. Thế nhưng trong dài hạn, quyền lực cưỡng chế chỉ khiến người dân bằng mặt nhưng không bằng lòng, miễn cưỡng phục tùng nhưng với tâm lý bất mãn gia tăng.

Trong mối quan hệ hiện tại giữa Nhà nước và người dân, cần sự nhìn nhận cân bằng hơn về vị trí giữa hai bên. Đó phải là những cuộc trao đổi hai chiều thực sự, dựa trên thái độ tôn trọng và cầu thị, được bổ trợ bởi thông tin minh bạch và kịp thời. Các kênh truyền tải ý kiến của người dân tới Nhà nước và ngược lại cần được cải thiện, nhằm tối thiểu hóa những bất đồng quan điểm nảy sinh trong từng chính sách cụ thể. Người dân cần được coi là chủ thể để phục vụ, chứ không phải để đối phó. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới