Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Bữa ăn học đường’ – bệ phóng mới cho kinh tế Indonesia

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Bữa ăn học đường” do chính phủ tài trợ được xem là cú hích cho nền kinh tế Indonesia, với nguồn vốn khổng lồ có thể lên đến hàng chục tỉ đô la mỗi năm. Chương trình cải thiện sức khỏe quốc gia cũng đồng thời được kỳ vọng là bệ phóng mới cho cho các startup công nghệ ở xứ vạn đảo. Một số startup hào hứng nhưng cũng không ít hoài nghi về khả năng đạt lợi nhuận.

Chính phủ Indonesia mong muốn các startup công nghệ nông nghiệp tham gia nhiều hơn vào chương trình quốc gia “Bữa ăn học đường miễn phí”. Ảnh: Reuters

Chương trình “Bữa ăn học đường” đã được triển khai tại 76 quốc gia, mang lại lợi ích cho 418 triệu trẻ em trên toàn thế giới. Tác động của các chương trình vượt ngoài phạm vi dinh dưỡng, trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực của nền kinh tế và xã hội. Các chương trình bữa ăn học đường kích thích sản xuất nông nghiệp, nền kinh tế địa phương, tạo ra hàng triệu việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ tại các bếp ăn và căn tin nhà trường. Các chương trình này cũng nâng cao kết quả giáo dục, bằng chứng là số lượng học sinh đi học tăng lên, nhất là các vùng hẻo lánh, bởi bữa ăn trong khía cạnh nào đó đã giữ chân được học sinh.

Nỗ lực quốc gia

Tại các nước đang phát triển, nguồn lực và cơ sở hạ tầng hạn chế và các ưu tiên khác nhau có thể cản trở sự thành công và bền vững của chương trình. Tham nhũng và quản lý yếu kém cũng là rào cản lớn. Các trở ngại về địa lý - như các trường ở vùng hẻo lánh - là thách thức lớn cho mạng lưới hậu cầu, cung cấp thực phẩm, bên cạnh đó là thói quen ăn uống và văn hóa tập tục địa phương cũng đóng vai trò quan trọng.

Ở Indonesia, Tổng thống Prabowo Subianto đã bắt tay vào chương trình bữa ăn trưa và sữa miễn phí tại 400.000 trường học trên cả nước như lời cam kết khi tham gia cuộc bầu cử hồi tháng 2, xem đây là nỗ lực quốc gia nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn ở trẻ em nước này.

Nhà nghiên cứu Hilman Palaon, thuộc Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy (Úc), cho rằng “cần có chiến lược toàn diện” để quản lý và vận hành một chương trình dinh dưỡng khổng lồ như tại Indonesia.

Các chuyên gia nước này cũng đã tính toán chương trình sẽ cần 6,7 triệu tấn gạo, 1,2 triệu tấn thịt gà, 500.000 tấn thịt bò, 1 triệu tấn cá, các loại rau, trái cây và hơn 4 triệu tấn sữa tươi mỗi năm. Chương trình dự kiến sẽ tiêu tốn tới 450.000 tỉ rupiah (29 tỉ đô la) hàng năm, nếu thực hiện trên quy mô cả nước. Chính phủ sẽ phân bổ 71.000 tỉ rupiah (4,6 tỉ đô la) để chạy thử chương trình này vào năm đầu tiên 2025.

Hồi tháng 4, ông Prabowo đã đến thăm và tìm hiểu bữa ăn tại một trường ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Cùng thời điểm đó, Phó tổng thống đắc cử Gibran Rakabuming, 37 tuổi, đã trao đổi với Đại sứ quán Ấn Độ tại Jakarta về bữa ăn học đường và chính sách dinh dưỡng của đất nước đông dân nhất thế giới. Tiếp đó, tháng 9 các quan chức Indonesia đến thăm các trường học ở Tokyo và phía Tây tỉnh Nagasaki để tìm hiểu về các bữa ăn trưa học đường và chính sách dinh dưỡng của Nhật Bản.

Phó tổng thống Gibran nói với báo chí rằng chương trình cần sự hỗ trợ của lĩnh vực tư nhân, nếu không sẽ không thể vận hành tốt. Ông nói rằng siêu ứng dụng thương mại điện tử, gọi xe và giao nhận GoTo đã thử nghiệm kết nối các nhà hàng GoFood với các trường học.

Hồi tháng 8, Indonesia đã lập Badan Gizi Nasional (Cơ quan dinh dưỡng quốc gia) để giám sát chương trình “Bữa ăn học đường”. Đầu tháng 10, Dadan Hindayna - người đứng đầu của cơ quan này - thông báo chương trình sẽ bắt đầu vận hành chính thức từ tháng 1-2025. Trong năm đầu, 5.000 nhà bếp được gọi là “điểm dịch vụ” sẽ được thành lập và cung cấp bữa ăn cho 20 triệu học sinh. Chương trình sẽ mở rộng thành 30.000 điểm dịch vụ vào năm 2027.

Sumit Agarwal, Giáo sư trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chỉ ra rằng các startup công nghệ có thể giúp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của chương trình.

“Hàm lượng công nghệ cao hơn trong sản xuất nông nghiệp và dịch vụ giao hàng sẽ nâng hiệu quả của chương trình “Bữa ăn học đường miễn phí”. Nông dân cũng sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi đưa công nghệ áp dụng trên các cánh đồng”, Giáo sư Agarwal nói.

Sân chơi mới cho startup công nghệ

Có trụ sở tại Yogyakarta, BrolierX là startup được quỹ Kopital Ventures của Indonesia và các quỹ mạo hiểm như W Capital Partners của Mỹ và Saison Capital của Nhật Bản bơm vốn. BroilerX chuyên cung cấp công nghệ kỹ thuật số cho người chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ, với các giải pháp quản lý và ứng dụng di động chăn nuôi thông minh, giúp phân tích dữ liệu để cải thiện sản lượng nuôi gà.

Startup này hy vọng sẽ được tham gia chương trình bữa ăn học đường. Nhà sáng lập Prastyo Ruandhito nói rằng một thành viên hội đồng quản trị của BroilerX gần đây đã được Bộ Nông nghiệp bổ nhiệm làm lãnh đạo tiểu ban cung ứng.

Là nền kinh tế lớn nhất ASEAN nhưng mức tiêu thụ gia cầm ở Indonesia vẫn thấp hơn nhiều nước trong khối ASEAN. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức tiêu thụ thịt gà của Indonesia là 8 ki lô gam bình quân đầu người vào năm 2023, so với 30 ki lô gam ở Malaysia và 11 ki lô gam ở Việt Nam. Ruandhito cho rằng có nhiều cơ hội ở thị trường thịt gà ở Indonesia, nhất là chương trình cung cấp thêm đạm từ trứng và thịt gà cho học sinh ở đây.

Agri Sparta là startup công nghệ nông nghiệp (agritech) nhận được vốn từ các quỹ đầu tư lớn như Antler, WestView Capital, Seedstars và Hustle. Cuối tháng 6-2024, Agri Sparta đã công bố quan hệ đối tác chiến lược với Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) chuyên trách an ninh lương thực và cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo.

Bulog sẽ cung cấp tài chính và bảo đảm mua sản lượng đầu ra. Các khoản tài trợ sẽ được phân bố cho nguyên vật liệu và cây giống đầu vào chất lượng cao, máy móc và thiết bị công nghiệp hiện đại… Agri Sparta đóng vai trò cung cấp giống lúa chịu hạn, vật tư nông nghiệp có chất lượng tốt. Ngoài ra, Agri Sparta sẽ triển khai AgriPlan, một hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) được thiết kế đặc biệt cho nông dân trồng lúa. Công nghệ sinh học và kỹ thuật số có thể tăng đáng kể năng suất và tiếp cận được hàng triệu nông dân nhỏ ở Indonesia.

Bốn khu vực Nganjuk, Đông Java và Klaten, Trung Java đã được chọn làm địa điểm ban đầu để thực hiện chương trình này. Mục tiêu dài hạn của chương trình đạt diện tích trồng lúa 500.000 héc ta vào năm 2030, chiếm 10% diện tích trồng lúa của xứ vạn đảo.

Bất chấp những cơ hội mới, một số công ty khởi nghiệp có vẻ miễn cưỡng hoặc không muốn tham gia.

Startup Moosa Genetic tập trung vào việc cải thiện sản lượng đàn gia súc và bò sữa. Deddy F. Kurniawan, đồng sáng lập và đồng CEO, nói rằng chương trình sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các startup agritech. Tuy vậy, Kurniawan cho biết Moosa có thể không trực tiếp tham gia vào chương trình bữa trưa ở trường.

Nhà sáng lập một startup buôn bán rau quả nói rằng sẽ khó kiếm được lợi nhuận từ chương trình bữa ăn học đường miễn phí. “Chúng tôi sẽ tập trung bán rau cao cấp cho các thị trường sẵn có. Việc cung cấp sản phẩm cho chuỗi nhà hàng hứa hẹn hơn nhiều so với tham gia dự án do chính phủ chỉ đạo”, vị này nói.

Nguồn: East Asia Forum, Jakarta Post, Straits Times, Nikkei Asia, Daily Social

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới