Thứ Sáu, 26/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bức sinh và phóng sinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bức sinh và phóng sinh

Lê Hải Đăng

(TBKTSG) – Đọc bài Nỗi buồn bẫy chim của tác giả Thanh Hương đăng trên TBKTSG số 14 ra ngày 4-4-2013, tôi bỗng nhớ tới câu chuyện “Cụ tổ, cố lên” trong tập truyện tranh Doraemon của nhà văn Nhật Bản Fujiko. F.Fujio. Nobita, nhân vật chính đã mượn bảo bối của Doraemon quay về quá khứ nhằm thay đổi số phận, thân phận dòng tộc. Ai ngờ, cụ tổ nhà họ Nobi sở hữu bảo bối, không những không ra chiến trường đánh đuổi quân thù để được làm tổng quản hay tướng quân như khát khao cháy bỏng của người cháu, mà dùng nó để… bẫy heo rừng. Và nhân vật Doraemon đã phải thốt lên: “Thật hết thuốc chữa”.

Công nghệ cao bản thân nó chưa phản ánh trình độ sản xuất. Trường hợp dùng bẫy nhân tạo, máy bắt chim là một trong muôn vàn ví dụ sinh động về việc sử dụng công nghệ không đáng mục đích. Đã qua thời kỳ cuộc sống còn hoang dại, nghèo túng, thiếu thốn, nhưng việc bẫy chim hoang còn chưa chấm dứt, mà người ta còn dùng phương tiện hiện đại để biến nó thành phương thức mưu sinh, trong đó có cả sự tương tác của những người mua chim phóng sinh! Quan sát “nghi thức” phóng sinh diễn ra hàng ngày tại cổng các chùa, nhiều con chim bé nhỏ, yếu ớt vừa cất cánh lên đã phải hạ cánh xuống một cách bất lực, vì thực tế, chúng đã trải qua nhiều lần bị bắt, giam hãm rồi phóng sinh. Chúng ta không khỏi hoài nghi về thứ “phước đức” tạo bởi nghiệp quả của một vòng tròn ác tính và quan điểm ngây thơ về việc thiện!

Khó có thể ngăn chặn việc đánh, bắt chim chừng nào điều này chưa được pháp chế hóa. Vì cái gì pháp luật không cấm thì người ta có quyền làm! Nhưng cuộc sống còn thiết lập trên nền tảng của đạo đức. Bên cạnh hệ thống chuẩn mực pháp luật và thẩm mỹ, đạo đức chính là cái đúng của lương tri và cái đẹp của hành vi. Hệ thống pháp luật nào vươn tới những giá trị vĩnh hằng của cộng đồng, nhân loại đều là được thiết lập trên nền tảng của đạo đức.

Hành vi bắt, bẫy chim tuy chưa vi phạm pháp luật, nhưng đã xúc phạm giá trị đạo đức. Kẽ hở không chỉ nằm trong pháp luật, mà còn tạo bởi quan niệm, cách thức hành xử của những người có liên quan. Ví dụ ở Công viên Gia Định, mấy năm gần đây, công việc chỉnh trang, chăm sóc công viên được làm tốt. Nhưng chim chóc tại đây vẫn không tránh khỏi nguy cơ bị diệt chủng, vì một số nhân viên, những người được giao nhiệm vụ bảo vệ, từ cây cỏ cho đến chim muông, làm ngơ cho dân hành nghề bẫy chim bên ngoài ngang nhiên đặt bẫy. Người dân tập thể dục trong công viên biết mà chẳng ai dám lên tiếng. Tại nhiều công viên quanh thành phố đều có biển cấm giẫm đạp lên cỏ, nhưng chưa hề có biển cấm chọc phá, đánh bắt chim chóc.

Sát hại chim muông vì mưu sinh hay bất cứ lý do nào khác đều đi ngược lại giá trị đạo đức. Hơn nữa, chim mang biểu trưng của điềm lành, lương thiện, thể hiện chốn bình yên… Nên coi chim muông là tài sản chung của cộng đồng, cư dân thành phố, mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ. Thiết nghĩ, chúng ta vẫn chưa đến nỗi phải trông chờ vào cỗ máy thời gian để trở về quá khứ với niềm hy vọng làm thay đổi hiện tại trước khi đã quá muộn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới