(KTSG Online) – Chu kỳ kinh doanh toàn cầu đang thay đổi với tăng trưởng không đồng đều ở các khu vực kinh tế lớn và sản xuất công nghiệp tăng nhưng thương mại toàn cầu lại giảm. Trong khi có những dấu hiệu rõ rệt về cải thiện GDP quí 3 ở Mỹ và Trung Quốc, tăng trưởng ở những nơi khác, đặc biệt là châu Âu, vẫn yếu kém.
- Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong gần hai năm
- Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định với tín dụng khả quan, giảm phát dịu lại
Kinh tế Mỹ tăng tốc nhưng khó duy trì xung lực
Theo ước tính của Cục Phân tích Chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) công bố hôm 25-10, trong tháng 8, sản xuất công nghiệp toàn cầu chỉ tăng 0,4% so với cùng tháng năm trước. Nhưng giá trị trao đổi thương mại toàn cầu lại giảm 3,8% với một năm trước đó và đã không tăng trong một năm qua. Đây thường một tín hiệu báo trước suy thoái kinh tế. Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có dấu hiệu tăng trưởng nhanh hơn đôi chút trong quí 3 sau khi giảm tốc rõ rệt trong nửa đầu năm 2023.
Ước tính sơ bộ cho thấy GDP thực của Mỹ trong quí 3 tăng với tốc 4,9% tính trên cơ sở năm, cao hơn gấp đôi mức tăng 2,1% trong quí 2. Đóng góp lớn nhất đến từ chi tiêu tiêu dùng tăng (2,7 điểm phần trăm trong mức tăng của GDP quí 2), đặc biệt là tiêu dùng dịch vụ (1,6 điểm phần trăm). Tiêu dùng hàng hóa đóng góp khiêm tốn hơn, 1,1 điểm phần trăm.
Hoạt động sản xuất của Mỹ có những dấu hiệu tiến gần đến đáy chu kỳ và sắp mở rộng trở lại. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ có xu hướng thấp hơn kể từ đầu tháng 7 sau khi tăng trong suốt sáu tháng đầu năm. Giá cả ở khu vực dịch vụ tăng với tốc độ hàng năm là 5,2% trong quí 3 cao hơn mức 3,3% trong quí 2. Nhưng một số sức mạnh của ngành dịch vụ có thể chỉ là tạm thời và sẽ không kéo dài sang những quí tới.
Đóng góp lớn thứ hai vào tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí vừa qua đến từ hàng tồn kho của doanh nghiệp (1,3 điểm phần trăm). Những đóng góp từ việc tăng trưởng hàng tồn kho thường được đảo ngược trong vòng 3-6 tháng. Vì vậy, tác động tích cực của hàng tồn kho trong quí 3 có thể sẽ trở thành bất lợi đối với GDP của Mỹ trong quí 4.
Có những hoài nghi về mức độ bền vững của đà phục hồi kinh tế Mỹ hiện tại. Nền kinh tế lớn nhất thế giới không có nhiều năng lực dự phòng trên thị trường lao động hoặc nguồn cung năng lượng cho tăng trưởng mới mà không gây ra lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ chỉ là 3,8% trong tháng 9 trong khi tồn kho dầu diesel và các loại dầu nhiên liệu chưng cất khác là 19 triệu thùng, dưới mức trung bình theo mùa trong 10 năm trước.
Kinh tế Trung Quốc cải thiện
Nền kinh tế Trung Quốc dường như tăng trưởng tích cực trở lại trong quí 3 sau khi suy yếu trong quí 2. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí vừa qua đạt 4,9%, cao hơn dự kiến.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất ở Trung Quốc đã cải thiện trong bốn tháng liên tiếp. Theo dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, khối lượng container được xử lý ở các cảng ven biển của nước này trong tháng 9 tăng gần 8% so với cùng tháng năm trước. Sản lượng điện của Trung Quốc tăng 9% so với một năm trước đó, với mức tiêu thụ điện năng tăng mạnh ở các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ (tăng 17%), nhà sản xuất (9%) và các ngành công nghiệp cơ bản (9%).
Xung lực phục hồi hiện này cho thấy Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm nay là khoảng 5%. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng có thể tiếp tục gây áp lực lên triển vọng trong những quí tới.
Đà phục hồi của Trung Quốc đang hỗ trợ các nền kinh tế khác trong khu vực. Singapore đóng vai trò trung tâm trung chuyển thương mại lớn giữa châu Á và châu Âu và khối lượng xử lý container hàng hóa của nước này có dấu hiệu tăng tốc. Cảng Singapore đã xử lý khối lượng container kỷ lục trong 12 tháng qua, với mức tăng hàng năm 4% trong tháng 9.
Nhưng tại Nhật Bản, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng hàng không vẫn ảm đạm. Cước vận chuyển qua Sân bay quốc tế Narita giảm 23% so với một năm trước và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Chỉ số chứng khoán KOSPI-100 của Hàn Quốc, được xem là thước đo thương mại toàn cầu vì cổ phiếu của các công ty định hướng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, phục hồi mạnh mẽ cho đến cuối tháng 7. Nhưng kể từ đó, chỉ số này suy yếu, phù hợp với sự suy giảm trở lại của thương mại toàn cầu. Giá cước vận chuyển container toàn cầu giảm trong cả tháng 9 và tháng 10 sau khi tăng trong mùa hè do nhu cầu vẫn yếu.
Châu Âu yếu nhất
Châu Âu vẫn là khu vực kinh tế yếu nhất thế giới khi phải đương đầu với tác động kết hợp của giá năng lượng tăng cao và sự gián đoạn của dòng chảy thương mại sau chiến sự Ukraine cũng như lạm phát dai dẳng và lãi suất cao hơn.
Các nhà sản xuất ở khu vực đồng sử dụng đồng euro (euzone) báo cáo hoạt động kinh doanh giảm tháng thứ 16 liên tiếp trong tháng 10. Tại Đức, các nhà sản xuất sử dụng nhiều năng lượng báo cáo sản lượng vẫn giảm 16% trong tháng 8-2023 so với tháng 1-2022 trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Hôm 23-10, Ngân hàng trung ương Đức, cho biết, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể sẽ bị thu hẹp trong quí 3- 2023. Đức công bố mức tăng trưởng zero trong quí 2 và suy giảm 0,1% trong ba tháng đầu năm. Các nhà kinh tế coi hai quí liên tiếp về sản lượng kinh tế giảm là biểu hiện của suy thoái. Nền kinh tế eurozone chỉ tăng trưởng 0,1% trong quí 2 và được dự báo suy giảm trong quí 3.
Sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và dữ liệu mơ hồ thường lên đỉnh điểm trước các bước ngoặt trong chu kỳ kinh doanh toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc là hai đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu, vì vậy tốc độ tăng trưởng nhanh ở cả hai nước này có thể là dấu hiệu báo trước sự mở rộng sẽ tiếp tục vào năm 2024 sau khi tăng chậm lại vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Tuy nhiên, tăng trưởng của Mỹ thiên về dịch vụ hơn là hàng hóa, điều sẽ tạo lực cản đối với dòng chảy thương mại quốc tế. Đáng lo ngại hơn là lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ Trong khi đó, năng lực công nghiệp dự phòng và tồn kho nguyên liệu thô hạn chế ở Mỹ có thể khiến lạm phát hàng hóa tái xuất hiện tương đối nhanh chóng.
Hầu hết các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đều dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian dài để ngăn chặn áp lực giá cả tái bùng phát vào năm 2024. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn, nền tảng để thiết lập lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, đang tăng lên.
Lợi suất trái phiếu chính phủ hạn 10 năm hiện giao dịch quanh mức 4,9%, cao nhất trong 16 năm, tăng từ mức chỉ 3,5% vào cuối tháng 4. Lãi suất càng cao thì mức tác động đến đầu tư kinh doanh và chi tiêu hộ gia đình càng lớn.
Tại Mỹ, chi tiêu mua sắm thiết bị mới của doanh nghiệp cho thiết bị mới bị ảnh hưởng do chi phí vay cao hơn và sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế. Lượng đơn đặt hàng mới cho thiết bị vốn phi quốc phòng ngoại trừ máy bay (đại diện cho chi tiêu mua sắm thiết bị kinh doanh) ở Mỹ về cơ bản không tăng trưởng trong 12 tháng qua.
Theo Reuters