Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh khởi nghiệp 2016: Nhìn lại để có thêm hy vọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bức tranh khởi nghiệp 2016: Nhìn lại để có thêm hy vọng

Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Năm 2016 sắp qua, nhìn lại bức tranh khởi nghiệp trong năm, ta nhìn thấy nhiều gam màu tích cực… 

Dưới đây là ghi nhận từ quan sát cá nhân của người viết trong quá trình tìm hiểu cộng đồng khởi nghiệp. Như mọi quan sát cá nhân khác, nó luôn chưa đựng yếu tố chủ quan và khiếm khuyết vốn có. Tuy vậy, cũng xin mạnh dạn chia sẻ như một cách nhìn lại những điểm tích cực trong năm đã qua, để có thêm hy vọng nhìn về phía trước.

1. Sự quan tâm của Chính phủ

Bức tranh khởi nghiệp 2016: Nhìn lại để có thêm hy vọng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động chương trình "Thanh niên khởi nghiệp". Ảnh: Chinhphu.vn

Năm 2016 là năm đầu tiên mà câu chuyện khởi nghiệp được nói nhiều tại nghị trường. Chính phủ đã chọn năm 2016 là "Năm Quốc gia khởi nghiệp" và đang triển khai những chính sách lớn nhằm hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp.

Ngày 16-10, trong bài phát biểu tại lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Cần phải đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khả năng sáng tạo, sự năng động của cả quốc gia, đặc biệt là thế hệ trẻ, để biến những ý tưởng mới, những sáng chế mới thành hàng hóa, từ đó tạo ra của cải vật chất mới cho xã hội" và "Coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo". 

Tinh thần khởi nghiệp ấy được lan tỏa từ Chính phủ đến các địa phương. Dễ cảm nhận nhất tại TPHCM là sự ra đời của "Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp" tại Sở Khoa học và Công nghệ. Gần đây nhất là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố với gói hỗ trợ tối đa 2 tỉ đồng cho mỗi dự án.

2. Sự chuyển biến trong nhận thức về khởi nghiệp

Khởi nghiệp rất khó khăn và do vậy rất dễ thất bại. Nếu không có tinh thần chấp nhận thất bại, sẽ thật khó có thể hình thành một quốc gia khởi nghiệp.

May mắn, người Việt đã bớt sợ thất bại trong kinh doanh.

Khảo sát "Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố vào tháng 9-2016 cho thấy: "Ý nghĩ lo sợ thất bại trong kinh doanh ở người Việt giảm dần xuống: năm 2013, tỷ lệ người trưởng thành sợ thất bại là 56,7%; năm 2014 là 50,1% và năm 2015 là 45,6%". 

Trên thực tế, trong cộng đồng đã xuất hiện nhiều chương trình, hội thảo, sách báo nói về thất bại. Ví như chuỗi chương trình "Fail Smart" hay như hội thảo Fail2Win ngày 6-12 vừa qua.

Thất bại đã được nói đến nhiều hơn với sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng. Đây là một sự chuyển biến quan trọng về nhận thức.

3. Mentoring và Angel Investor: Hai mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Ra mắt "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp". Ảnh: TL.

Sáng 3-11-2016, chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam" (Vietnam Mentors Initiative – VMI) với mục đích kết nối các nhà cố vấn (Mentor) với các bạn trẻ khởi nghiệp chính thức được thành lập là một tin vui đáng ghi nhận.

Trước đó, từ năm 2011, mạng lưới SME Mentoring and Networking Saigon cũng đã hình thành và hoạt động rất hiệu quả.

Về Angel Investors, có thể kể đến sự kiện ra mắt Mạng Lưới Nhà Đầu Tư Thiên Thần Mekong (MAIN) tại Đà Nẵng trong tháng 6-2016. Thật ra, trước MAIN, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều nhà đầu tư thiên thần âm thầm hoạt động.

Trong giới khởi nghiệp, ai cũng hiểu tầm quan trọng của Mentoring (sự cố vấn) và vai trò của các Angel Investors – những nhà đầu tư thiên thần đối với sự phát triển của các startups.

Nếu như Mentoring giúp những nhà khởi nghiệp trẻ trưởng thành hơn thì nguồn vốn từ các Angle Investors là nguồn lực đệm giúp startups phát triển lên một giai đoạn mới.

4. Startups bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp

Trong bức tranh khởi nghiệp nông nghiệp, có sự góp mặt của nhiều nhân tố mới đến từ công nghệ, kinh doanh, marketing… Ảnh: TL

Tháng 9-2015, trong một video phỏng vấn gửi đến Diễn đàn CEO Mekong Network, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam, chia sẻ: “Ở một đất nước với 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan, các bạn không thể cầm cự nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp…”.

Năm 2016 chúng ta nhìn thấy rất nhiều điểm tích cực trong bức tranh khởi nghiệp nông nghiệp. Trong số đó có thể kể đến cuộc thi khởi nghiệp thường niên mà Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức thu hút được rất nhiều bạn trẻ trên khắp cả nước tham dự.

Điểm thú vị trong bức tranh khởi nghiệp nông nghiệp là sự đa dạng từ các nguồn lực tham gia. Ở đó, bên cạnh những thanh niên nông thôn vốn quen với nông nghiệp, đã xuất hiện thêm những nhân tố đến từ lĩnh vực công nghệ như Nguyễn Khánh Trình – người sáng lập Clever Ads với Trang trại Trung Thực hay Nguyễn Khắc Minh Trí với MimosaTEK.

Khi nguồn lực, bao gồm cả chất xám và đồng vốn, chảy vào nông nghiệp, chúng ta có quyền hy vọng vào sự chuyển hóa bức tranh nông nghiệp trong tương lai.

5. Ra mắt Quỹ khởi nghiệp TPHCM

Hình ảnh ra mắt HSIF. Ảnh: bssc.vn

Ngày 17-5, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM (HSIF) chính thức ra mắt với vốn ban đầu là 30 tỉ đồng.

HSIF được khởi xướng và sáng lập bởi Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tại TPHCM. Trong đội ngũ đồng sáng lập có Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Thành viên góp vốn còn có thêm Ngân hàng TMCP Phương Đông và Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM.

Hơn nửa năm trôi qua, HSIF vẫn chưa thực hiện một khoản đầu tư nào mặc dù đại diện quản lý HSIF là Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (BSSC), đơn vị đã đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam qua cuộc thi thường niên "Bánh xe khởi nghiệp", vốn rất hiểu các startups và biết đâu là nơi có thể rót vốn.

Tuy vẫn "án binh bất động", nhưng HSIF đem đến nét mới trong nguồn vốn cho khởi nghiệp và ít nhiều theo đó là những niềm hy vọng. Quan trọng hơn, HSIF là một phép thử mà ở đó, khi Chính phủ muốn thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp có thể tham khảo về tính khả thi và hiệu quả trước khi quyết định.

6. Những startups tiên phong "đánh bắt xa bờ" 

Năm 2016 đánh dấu sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Điều này quan trọng. Quan trọng hơn, nhiều startups Việt mạnh dạn tìm kiếm cơ hội ở các vườn ươm, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) nước ngoài và đã thành công. Có thể kể đến các startups như Taembe và Wiindi.com tại JFDI Accelerator – Singapore, LoanVi tại SparkLabs – Hàn Quốc, GCall tại Muru-D.

Thành công của những startups đi trước giúp những startups Việt Nam tự tin hơn khi tìm kiếm cơ hội tại những vườn ươm, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp ở nước ngoài.

Cái hay tại các vườn ươm, như Nguyễn Xuân Bằng – đồng sáng lập GCall.vn chia sẻ, bên cạnh nguồn vốn, kỹ năng, kiến thức là mạng lưới các mối quan hệ ở những quốc gia khác. Điều này hỗ trợ các startups rất nhiều khi muốn mở rộng ra tầm khu vực và quốc tế.

7. Obama – Vị khách đặc biệt của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam

Ông Obama trao đổi với các doanh nhân trẻ Việt Nam về những vấn đề về khởi nghiệp. Ảnh: TL

Tối 24-5, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Những điều vị tổng thống này chia sẻ có thể không mới nhưng sự xuất hiện và buổi nói chuyện của ông là điều rất đáng khích lệ với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

8. Nguồn lực Việt kiều và các du học sinh

Trong phần phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama có một chi tiết đáng chú ý. Ông nói: "Thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy nhiều người Mỹ gốc Việt đã quay lại TPHCM làm ăn, khởi nghiệp và điều này chứng minh rằng Mỹ có mối gắn bó rất chặt chẽ với Việt Nam".

Thật ra, không đợi ông Obama nói, ta vẫn có thể nhận ra điều này. Không chỉ có Mỹ, nguồn lực Việt kiều và du học sinh từ nhiều quốc gia khác như Pháp, Úc, Canada cũng lần lượt xuất hiện. Họ quay về, không chỉ mang theo vốn mà còn cả kinh nghiệm, tầm nhìn, cách thức làm việc.

Họ thổi một làn gió mới đến cộng đồng; đem đến thêm sự lựa chọn cho khách hàng; tạo công ăn việc làm và ít nhiều góp phần nâng tầm kỹ năng cho những người trực tiếp làm việc cùng họ.

9. Quan tâm của truyền thông và sự bùng nổ các chương trình khởi nghiệp

Năm 2016, truyền thông báo chí đã dành nhiều đất hơn cho hoạt động khởi nghiệp. Báo Thanh Niên có hẳn một trang viết về Khởi nghiệp; Vnexpress tổ chức một cuộc thi bình chọn startups tiêu biểu; Sài Gòn Book cũng tham gia với cuộc thi "Startup stories – Câu chuyện khởi nghiệp", Shark Tank – chương trình truyền hình thực tế chuyên dành cho khởi nghiệp cũng đã đến Việt Nam.

Đáng chú ý, phải kể đến giải thưởng Rice Bowl Startup Awards (RBSA), lần đầu đến Việt Nam trong năm 2016. Đây là giải thưởng thường niên đầu tiên tại Đông Nam Á tôn vinh những startup đột phá, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo. RBSA có nhiều chuyên mục riêng biệt bao quát tương đối toàn diện hoạt động khởi nghiệp như: startup mới tốt nhất, startup đột phá của năm, người sáng lập của năm, nhà báo mảng startup của năm…

Chính những hoạt động trên đã góp giúp cộng đồng nhận thức đúng hơn về khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích, tạo động lực, truyền cảm hứng khởi nghiệp.

10. Sự xuất hiện của các group khởi nghiệp trên Facebook

Không thể không kể đến các group được lập trên Facebook để chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp và quản trị. Tiêu biểu có thể kể đến Group Quản trị và Khởi nghiệp, Group Quản Lý Doanh Nghiệp…

Các group này tập hợp những người quan tâm đến khởi nghiệp, người mới có, doanh nhân thành công có, trẻ có, già có… Họ cùng nhau chia sẻ về mọi thứ khởi nghiệp một cách cởi mở, thoải mái và chân tình. Người biết chia sẻ cho người chưa biết. Người có kinh nghiệm truyền đạt cho người chập chững bước vào kinh doanh. Họ động viên những người trẻ khi gặp khó khăn, đưa bàn tay để dìu dắt qua chướng ngại và kéo những những cái đầu bay bổng quay về với mặt đất.

Họ là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Mời xem thêm:

Ra mắt Quỹ khởi nghiệp TPHCM

Thủ tướng thúc giục thanh niên khởi nghiệp

Ra mắt "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam"

Người Việt đã bớt sợ thất bại trong kinh doanh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới