Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh kinh tế Trung Quốc phản ánh qua kết quả kinh doanh của các đại gia công nghệ

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Kết quả kinh doanh của các hãng công nghệ hàng đầu như Alibaba, Tencent hay Baidu đã phần nào cho thấy bức tranh chung của nền kinh tế Trung Quốc: phục hồi, nhưng vẫn còn khá mờ nhạt.

 

Trụ sở của Tencent ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Baidu – công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc và Tencent – chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat, đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng hơn một năm qua, các công ty này đạt kết quả ấn tượng như vậy.

Baidu cho biết, doanh thu của hãng đã tăng 10%, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của mảng quảng cáo kỹ thuật số, trong khi Tencent ghi nhận mức tăng 11% khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chi tiền trở lại sau một thời gian dài thắt chặt hầu bao.

Một tên tuổi lớn khác là Alibaba phục hồi chậm chạp hơn khi ghi nhận mức doanh thu tăng chỉ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với ước tính của các nhà phân tích.

Dẫu vậy, đây vẫn có thể coi là kết quả đáng khích lệ với gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc.

Áp lực từ giới chức Trung Quốc lên lĩnh vực công nghệ cũng đang dần hạ nhiệt. Một quan chức hàng đầu tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, chiến dịch tăng cường kiểm soát với các công ty công nghệ lớn “về cơ bản đã hoàn tất”.

Theo New York Times, Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây hy vọng lĩnh vực công nghệ Trung Quốc có thể cung cấp một sự hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng kinh tế. Cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt với Mỹ, cũng góp phần khiến Chính phủ Trung Quốc tỏ ra cởi mở hơn với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của mình.

Tuy vậy, những kết quả này vẫn là chưa đủ để xua tan hoài nghi của giới đầu tư. Cổ phiếu của Tencent và Baidu trên sàn giao dịch Hồng Kông đều giảm điểm trong phiên cuối tuần trước, và chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ (1,52% và 0,76%) trong cả tuần, bất chấp đà phục hồi doanh số mạnh mẽ. Cổ phiếu Alibaba mất tới hơn 6% giá trị trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, và giảm 2,6% trong cả tuần.

Sự thận trọng của thị trường là có cơ sở trong bối cảnh các điều kiện kinh tế vĩ mô – yếu tố tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều thách thức. Chính quyền các địa phương hiện vẫn đang phải vật lộn với gánh nặng nợ, trong khi lĩnh vực bất động sản – động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, mới chỉ phục hồi một cách chậm chạp.

Các dữ liệu mới được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố cũng cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất dần đà tăng trong tháng 4 khi doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp đều tăng thấp hơn kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức cao kỷ lục 20,4%.

Ảnh hưởng từ đà phục hồi yếu hơn dự kiến và không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc đã được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Với Alibaba, doanh số bán hàng tại mảng kinh doanh thương mại điện tử nội địa đã giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi hoạt động mua sắm đã bắt đầu phục hồi trong tháng 3. Doanh thu của mảng điện toán đám mây cũng giảm nhẹ.

Đối thủ lớn của Alibaba trong mảng thương mại điện tử là JD.com cũng đối mặt với khó khăn tương tự, khi doanh thu trong quí 1-2023 hầu như không tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Để ứng phó với những thách thức từ sự giảm tốc của nền kinh tế, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang cố gắng tập trung vào việc cắt giảm chi phí và hợp lý hóa mô hình kinh doanh. Hồi tuần trước, giám đốc điều hành hiện đã nghỉ hưu của JD.com, ông Xu Lei, cho biết công ty này đang tiến hành tái tổ chức để tạo ra một hệ thống phân cấp phẳng hơn với cấu trúc linh hoạt hơn.

Thay đổi mạnh mẽ hơn cả phải kể đến Alibaba khi công ty này lên kế hoạch tách hoàn toàn đơn vị kinh doanh trên nền tảng đám mây Cloud Intelligence Group, để tiến hành niêm yết độc lập trong vòng 12 tháng tới. Hội đồng quản trị của hãng cũng đã bật đèn xanh cho đơn vị doanh nghiệp bán lẻ Freshippo và đơn vị hậu cần Cainiao tiến hành niêm yết trong vòng 6-18 tháng tới, đồng thời cho phép đơn vị kinh doanh quốc tế của hãng tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài.

Theo New York Times, những biến động tại Alibaba cho thấy mức độ thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ của nước này. Trong nhiều năm, các công ty Internet của Trung Quốc đã liên tục phình to khi hàng triệu người tiêu dùng Trung Quốc lên mạng. Giờ đây, làn sóng đó đã đạt đến mức đỉnh, với tốc độ tăng trưởng chậm lại, buộc các công ty phải cạnh tranh gay gắt để giành lấy cùng một khách hàng.

Nguồn: New York Times, Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới