Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh liên kết kinh tế Mỹ – Trung

Ngân Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục đối mặt với những thử thách mới, khi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang dần rơi vào vòng xoáy tăng thuế và trả đũa lẫn nhau.

Theo thông báo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, từ ngày 1-8-2024, nước này sẽ tăng mạnh thuế suất đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 18 tỉ đô la từ Trung Quốc, trong đó bao gồm pin xe điện, chip máy tính và các sản phẩm y tế. Washington cũng giữ nguyên các mức thuế đánh vào 300 tỉ đô la sản phẩm Trung Quốc được đưa ra năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng đưa ra các biện pháp đáp trả, bao gồm việc cấm một số công ty Mỹ thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư mới liên quan đến Trung Quốc. Mới đây nhất, Bắc Kinh cho biết có thể xem xét tăng thuế suất tạm thời đối với ô tô nhập khẩu trang bị động cơ phân khối lớn từ Mỹ và Liên minh châu Âu.

Bên cạnh thuế quan, các biện pháp hạn chế công nghệ hay việc Mỹ gây sức ép lên TikTok cũng là những điểm nóng đáng chú ý trong quan hệ song phương. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cáo buộc Trung Quốc đang lạm dụng các mối quan hệ thương mại, trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước để tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời chiếm đoạt tài sản trí tuệ của Mỹ một cách bất hợp pháp, và đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.

Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc trước các động thái từ Mỹ là khá kiềm chế. Nhưng căng thẳng được dự báo có thể leo thang, nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy một liên minh nhằm ngăn chặn Trung Quốc xuất khẩu các loại hàng hóa như xe điện, pin mặt trời và thép giá rẻ - một động thái có thể gây tổn hại lớn cho kinh tế nước này.

Căng thẳng địa chính trị đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư. Theo báo cáo được Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc (Amcham China) công bố hồi tháng 4-2024, các doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng tỏ ra thận trọng hơn đối với việc đầu tư vào Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ song phương tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Mới đây nhất, báo Wall Street Journal dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, công ty điện toán đám mây và AI của Microsoft tại Trung Quốc đang xem xét chuyển một số nhân viên ra khỏi nước này, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng thắt chặt các quy định nhằm hạn chế khả năng phát triển AI tiên tiến của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo New York Times, bất chấp những cảnh báo đáng lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, sợi dây liên kết kinh tế giữa hai bên vẫn khá chặt chẽ. Nhiều công ty lớn của Mỹ vẫn kiếm được một phần đáng kể doanh thu từ Trung Quốc, đồng thời dựa vào các nhà cung cấp tại quốc gia này để sản xuất các sản phẩm của mình.

Theo ước tính từ công ty dữ liệu tài chính FactSet, trong năm ngoái, doanh thu bán hàng tại Trung Quốc chiếm tới 7,1% doanh thu của các doanh nghiệp Mỹ thuộc nhóm S&P 500. Con số này vượt trội hoàn toàn so với mức 2,6% của thị trường Nhật Bản, và 2,2% của các thị trường Đức hay Anh.

Tình hình tương tự cũng diễn ra với cả những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại. Trong năm ngoái, Trung Quốc luôn nằm trong số ba thị trường hàng đầu của các công ty thiết kế, sản xuất và chế tạo công cụ cho chip AI tiên tiến, bao gồm Nvidia, Broadcom, AMD, Intel, Lam Research và KLA. Chẳng hạn như Intel có tới 26,8% doanh thu từ thị trường Trung Quốc.

Theo ông Dale Copeland - nhà khoa học chính trị tại Đại học Virginia, những con số như vậy rất quan trọng trong việc đánh giá triển vọng mối quan hệ Mỹ - Trung. “Kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai là yếu tố quan trọng và thường bị bỏ qua trong quan hệ quốc tế. Vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai”, ông Dale Copeland nói.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia khác lo ngại, những rạn nứt sẽ không sớm được hàn gắn, đặc biệt là trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng diễn ra cuối năm nay.

Chia sẻ với Finance Asia, ông Tariq Dennison, Giám đốc quản lý tài sản tại GFM Asset Management, cho biết các biện pháp hạn chế của Chính phủ Mỹ đã buộc nhiều nhà đầu tư phải bán cổ phiếu trong các công ty Trung Quốc. Trong đó, bao gồm cả các quỹ ETF của các tên tuổi lớn như BlackRock và MSCI.

Ông dự kiến sẽ phải mất nhiều năm để làm chậm hoặc đảo ngược xu hướng này. “Tôi không nghĩ rằng, dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc sẽ đảo ngược trong vòng hai năm tới nếu ông Biden thắng cử, hoặc bốn năm nếu ông Trump thắng cử”, Tariq Dennison nói thêm.

Cũng theo ông Dennison, một trong những điều hiếm hoi mà hai đảng tại Mỹ có thể thống nhất với nhau hiện nay là cứng rắn với Trung Quốc. Do vậy, “ngay cả những dự báo về việc hai nước có thể nồng ấm trở lại trong vòng 2-4 năm tới, cũng chỉ là kịch bản lạc quan, chứ không phải kịch bản dễ xảy ra nhất cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới”, ông Dennison kết luận.

Theo New York Times, Finance Asia, WSJ, Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới